Chốt phiên hôm qua 26/7, giá vàng SJC tại Hà Nội được các nhà vàng bán ra ở ngưỡng 54,4 triệu đồng, mua vào ở ngưỡng 53,4 triệu đồng/lượng.
Người dân đổ xô mua bán vàng khi giá mua vào và bán ra đều tăng khoảng 2 triệu đồng/lượng so với ngày cuối tuần 26/7
Người dân lại đổ xô đi mua bán vàng trong thời điểm giá vàng tăng mạnh trở lại
Tuy nhiên, đến phiên giao dịch sáng nay 27/7, giá vàng lại tăng dựng đứng như tuần trước. Lúc 10 giờ 30 phút, giá vàng SJC bán ra đạt hơn 56,5 đến 56,6 triệu đồng/lượng, giá mua vào đạt trên 55,2- 55,3 triệu đồng/lượng, mức tăng sốc gần 2 triệu đồng/lượng chỉ sau 1 ngày.
Thị trường vàng trong nước được lực đẩy tăng giá bởi hiện nay giá vàng thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh lên ngưỡng 1.927 USD/ounce. Với tình hình dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở nhiều nước, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, dự kiến giá vàng có thể sẽ tăng lên đến 2.000 USD/ounce trong tháng 9/2020.
Rất nhiều người mua vàng với số lượng lớn
Hiện số người mắc Covid-19 toàn cầu lên xấp xỉ 16,4 triệu người, trong đó hơn 650.000 người đã tử vong. Giới chuyên gia cho rằng, số người mắc và tử vong vì Covid-19 thực tế toàn cầu có thể cao hơn nhiều so với thống kê.
Vàng tăng giá từng giờ, đầu giờ sáng, giá vàng đã tăng mạnh 2 triệu đồng/lượng
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí trong sáng nay tại phố Trần Nhân Tông và Cầu Giấy, lượng người mua và bán vàng đã bắt đầu đông trở lại. Đáng chú ý đã có hiện tượng xếp hàng chờ mua và bán vàng.
Người dân chủ yếu mua vàng SJC, vàng Rồng Thăng Long hoặc vàng nhẫn tròn trơn để đỡ mất tiền trừ chế tác
Anh Trần Văn V, trú tại Tây Hồ, Hà Nội cho biết: "Ngày hôm qua tôi mua 4 cây, nay ra đây chờ nghe ngóng giá để chốt lời". Với mức mua vào 54,4 triệu đồng ngày hôm qua, với mỗi cây vàng, anh này đã lãi gần 460.000 đồng.
Giá vàng lên nhanh, thay đổi giá theo giờ đã khiến nhiều người cao tuổi bỏ lương hưu đi mua vàng. Một cụ bà 82 tuổi trú tại Quán Thanh, Hà Nội đã bỏ số tiền hơn 100 triệu đồng để mua hai cây vàng.
Những giao dịch tiền tỷ đều được các nhà vàng khuyên người dân giao dịch tại nhà hoặc qua ngân hàng cho an toàn
Đáng chú ý, tại cửa hàng của một nhà vàng lớn trên phố Trần Nhân Tông, một người đàn ông đến giao dịch mua vàng hơn 20 cây. Tuy nhiên, do số tiền quá lớn, người đàn ông được tư vấn chuyển sang giao dịch tại ngân hàng và giao vàng tận nhà.
Theo một chủ cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, giá vàng tăng cao, có người bỏ từ 3 đến 7 tỷ đồng mua vàng vào để đầu cơ. Nhóm khách hàng này đều được ưu tiên giao dịch tại nhà hoặc ngân hàng để đảm bảo an toàn, thông tin khách hàng đều bí mật.
Rất đông người cao tuổi đến mua hoặc bán vàng trong thời điểm hiện nay
Do giá mua vào và giá bán ra tăng cao 2 triệu đồng/lượng nên thời điểm này rất nhiều người đã xếp hàng mua vàng vào nhằm kiếm lời với kỳ vọng giá còn cao nữa.
Tuy nhiên, hiện nay, biên độ giữa mua vào và bán ra đang rất cao, giá vàng SJC được Bảo Tín Minh Châu chênh lệch biên độ mua vào với bán ra là 1,3 triệu đồng (ở mức 56,6 triệu đồng bán ra và mua vào là 55,3 triệu đồng). Trong khi đó, DOJI có biên độ 1,15 triệu đồng, giá bán ra là 56,4 triệu đồng và mua vào là 55,3 triệu đồng.
Mức chênh lệch giá bán ra và mua vào của các nhà vàng đang rất lớn, điều này cũng tiềm ẩn rủi ro đối với khách hàng mua vàng lướt sóng.
Tuy nhiên, biên độ nới rộng hiện nay cho thấy giá vàng đang có nhiều biến động, mặt bằng giá mới liên tiếp thay đổi và kỳ vọng lớn từ thị trường. Chính vì điều này nên giá vàng có thể sẽ tăng cao hoặc giảm sâu, phụ thuộc vào thị trường.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, giá vàng đang ở giai đoạn biến động mạnh nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh và xung đột của các nước lớn. Giá vàng tại Việt Nam biến động nhưng có sự điều tiết của Nhà nước nên giá có thể sẽ không tăng sốc hoặc giảm sốc dẫn đến bán tháo thị trường.
Hiện chu kỳ điều chỉnh giá vàng trong nước với vàng quốc tế khá sát nhau nên người mua vàng cần để ý đến giá vàng thế giới để đưa ra các quyết định của mình.
An Linh