Cảnh giác với nấm mốc, chất bảo quản trong bánh
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về Công nghệ Thực phẩm) khuyến cáo người tiêu dùng phải rất thận trọng khi trên thị trường có quá nhiều sản phẩm bánh trung thu trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cá nhân ông chia sẻ, mùa trung thu gia đình ông có thể không ăn bánh chứ tuyệt đối không mua những chiếc bánh với giá 2.000 - 5.000 đồng vì không thể biết được nguy cơ bánh không rõ xuất xứ mang lại.
Cơ quan chức năng kiểm tra bánh trung thu trên thị trường.
“Khi mua bất kể loại hàng hóa nào, đặc biệt là thực phẩm ăn trực tiếp như bánh Trung Thu thì quan trọng nhất là nhãn mác và thành phần sản phẩm. Nếu nhà sản xuất không đưa các thông tin đó lên bao bì sản phẩm thì tuyệt đối không mua, bởi ăn những sản phẩm như vậy có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Chúng ta không biết trong chiếc bánh đó có những gì, được làm như thế nào, có an toàn không?", PGS Thịnh nói.
Đối với các loại bánh sử dụng phẩm màu, PGS Thịnh cho rằng, nếu nhà sản xuất sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cấp phép thì sẽ không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, sẽ là rủi do rất lớn nếu ăn phải bánh sử dụng màu công nghiệp, không có trong danh mục Bộ Y tế cấp phép.
“Ăn bánh mà sử dụng màu công nghiệp, phẩm màu không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm cho sức khỏe, vì thế tôi nghĩ rằng không nên mua và ăn những loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được công khai bảng nguyên liệu thành phần”, PGS Thịnh nói.
Chưa kể, chất bảo quản là điều đáng lo ngại khi sử dụng bánh trung thu. Với đặc thù bánh trung thu rất dễ bị ẩm, nấm mốc nên rất dễ bị sử dụng c hất bảo quản.
Một đợt lấy mẫu kiểm nghiệm quy mô khá lớn, với 50 mẫu bánh trung thu trong năm 2010 do Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy các mẫu không đạt đều tập trung chủ yếu ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và gia công.
Cụ thể, trên tổng số 50 mẫu phân tích cho thấy, nhiều mẫu bánh gia công “ngậm” đồng thời cả hai chất bảo quản là axit benzoic và axit sorbic, đáng nói hàm lượng dùng để bảo quản bánh vượt tiêu chuẩn quy định. Trên thực tế, hai chất bảo quản này đều nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế nhưng nếu vượt quá giới hạn tối đa cho phép sẽ ảnh hưởng không tốt đến gan, thận, thậm chí nếu tích tụ nhiều và lâu ngày có thể gây ra ung thư.
Về vấn đề này, BS Dzoãn Thị Tường Vi, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng cho biết, vấn đề bánh Trung thu dùng hóa chất, chất tạo mùi công nghiệp gây ảnh hưởng đến sức khỏe là không phải bàn cãi.
Bởi nếu người sản xuất thủ công, nhỏ lẻ không tuân thủ các quy chuẩn an toàn của Bộ Y tế, sử dụng hóa chất, phẩm màu, chất bảo quản ngoài danh mục, trong danh mục nhưng sử dụng quá ngưỡng... đều có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Theo bà Vi, mức độ độc hại của hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp là rất lớn. Khi bị nhiễm vào cơ thể nó có thể gây tổn hại đến tất cả các cơ quan thần kinh, nội tạng và bề mặt da khi tiếp xúc trực tiếp…
Không chỉ có vậy, việc ăn bánh Trung thu có tồn dư hóa chất công nghiệp, nhân bánh không đảm bảo còn có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn. Nguy hiểm hơn, nó còn tích tụ dần vào cơ thể gây nên những ảnh hưởng cho sức khỏe sau này, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Mua bánh có nguồn gốc, hãy "soi" kỹ hạn dùng
Theo các chuyên gia, trong hai loại bánh dẻo và bánh nướng thì nguy cơ bánh dẻo bị lên men, nấm mốc cao hơn hẳn so với bánh nướng. Vì bánh dẻo thì được làm theo kiểu nhồi ruột vào vỏ chín (đậu xanh tạo men nhanh nên dễ bị lên men, nấm mốc hơn) và đóng khuôn thành phẩm. Còn bánh nướng thì đảm bảo hơn do được qua quá trình xử lý nhiệt.
Vì thế, khi chọn bánh, người dân cần phải để ý xem hạn sử dụng của bánh, ngoài ra phải quan sát kỹ trên vỏ bánh có xuất hiện những vết lấm tấm bất thường hay không. “Để tránh bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe, người dân cần tuyệt đối không mua những bánh có dấu hiệu bị mốc, không sử dụng bánh đã hết hạn hoặc không ghi hạn sử dụng; mua các sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng và có đăng ký chất lượng”, chuyên gia nhấn mạnh.
Không chỉ phía người tiêu dùng mà Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất cần thực hiện nghiêm túc trong công tác vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sản phẩm an toàn. Đó là sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phải có công bố tiêu chuẩn sản phẩm tại các cơ quan có thẩm quyền. Sản xuất đúng quy trình để giảm nguy cơ ô nhiễm hóa học cũng như vi sinh trong thực phẩm. Sử dụng các chất phụ gia trong danh mục cho phép của Bộ Y tế…
Muốn mua được bánh Trung Thu an toàn, BS Tường Vi cho rằng, thứ nhất bánh phải có nguồn gốc xuất xứ, thứ hai là phải đảm bảo vấn đề VSATTP.
Không chỉ có vậy, các sản phẩm bánh trung thu cũng phải được sản xuất trên dây chuyền đảm bảo ATVSTP, sau đó được đóng bao bì khép kín và nếu có sử dụng chất tạo mùi tạo màu hay chất bảo quản thì phải theo đúng liều lượng cho phép, được phép của bộ Y tế chứng nhận là nó an toàn đối với người tiêu dùng.
Tại nhiều công ty lớn sản xuất bánh trung thu, vấn đề an toàn thực phẩm đều được đặt lên hàng đầu. Theo lãnh đạo một công ty lớn tại Hà Nội, với công ty ông, toàn bộ nguyên liệu đầu vào đều được kiểm duyệt một cách nghiêm ngặt, với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng,các thông tin về nguyên liệu, bán thành phẩm đều được cập nhật trong suốt quá trình chế biến.
Sản phẩm làm ra được bảo quản trong bao gói nilon với công nghệ khí sạch và gói chống ẩm, ngăn ngừa sự phát triển của vi sinh vật và oxy hóa chất béo, giúp giữ cho sản phẩm luôn có chất lượng tốt nhất trong suốt hạn sử dụng.
Chuyên gia khuyến cáo, khi chọn bánh Trung thu, kể cả bánh của công ty hay bánh được sản xuất thủ công (nhưng vẫn có đăng ký kinh doanh, công bố chất lượng, bánh cổ truyền của làng nghề), người dân cần xem kỹ hạn sử dụng, quan sát kỹ vỏ bánh để phát hiện nấm mốc.
Hồng Hải