Fica
  1. Đời Sống

Bán quần áo ế ẩm, dân buôn giảm nhập một nửa hàng Trung Quốc

Mùa hè đang là thời điểm việc kinh doanh quần áo khá chững. Nhiều dân buôn, xưởng sản xuất quần áo còn phải làm cầm chừng để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, điều đáng nói là năm nay, buôn bán và sản xuất giảm còn một nửa so với vụ hè năm ngoái mà chưa rõ lý do.

Mọi năm, dù mùa nào thì anh Q, tiểu thương kinh doanh tại chợ vải Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đều tất bật với công việc của mình. Có khi một tháng, anh Q phải sang Trung Quốc 2 lần để nhập hàng rất đều đặn.

Thế nhưng, chẳng hiểu sao, từ khoảng đầu năm nay, công việc đang trở nên khó khăn hơn với anh Q. Lượng nhập quần áo của anh cứ giảm dần từ một phần ba, cho đến một nửa mà vẫn ít khách mua.

Anh Q cho biết: “Mặt hàng tôi bán chủ yếu là áo sơ mi, ngoài ra thì cũng kinh doanh thêm các loại đồ của nam. Nhưng không chỉ áo sơ mi bán chậm, các loại hàng các cũng trong tình trạng như vậy. Các mối buôn vẫn qua lấy hàng, nhưng số lượng cứ giảm dần.”

Bán quần áo ế ẩm, dân buôn giảm nhập một nửa hàng Trung Quốc - 1

Mùa hè nóng nực cũng là một phần nguyên nhân khiến việc quần áo bán không được "chạy" (Ảnh minh hoạ)

“Đáng nói là từ đầu năm nay đã như vậy chứ không phải tới hè mới xảy ra tình trạng này. Hơn nữa, không riêng gì tôi, nhiều tiểu thương khác trong chợ cũng gặp phải tình trạng trên”, anh Q cho biết thêm.

Việc quần áo Trung Quốc thời điểm này đang chững theo anh D (một người chuyên đánh hàng thuê) một phần là bởi: “Hiện nay, việc nhập hàng Trung Quốc rất dễ dàng. Khách không cần phải tới các khu chợ như Ninh Hiệp mà vẫn nhập trực tiếp về được. Nếu nhập hàng đẹp và có giá trị thì giá rẻ hơn mà cập nhật mẫu mã nhanh hơn, không bị phụ thuộc vào đầu mối ở chợ.”

“Khách biết tiếng Trung thì lên giao dịch trực tiếp trên các trang thương mại điện tử, còn không biết tiếng thì dùng các phần mềm để tự dịch rồi trao đổi giá cả. Sau đó, họ sẽ thuê các công ty vận chuyển hoặc có thể là cá nhân nhập về giúp”, anh D cho biết.

Cũng theo anh D: “Nếu làm ăn lớn, họ còn có thể sang tận Trung Quốc để mua bán, chọn lựa. Vì vé máy bay 2 chiều sang Trung Quốc cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng, cộng thêm một chút chi phí ăn ở. Khi sang đó, nếu có người quen dẫn đi thì tốt, nếu không thì cũng có cả người Việt làm trung gian mua bán ngay tại các khu chợ đó.”

“Lý do này cũng ảnh hưởng nhiều tới việc kinh doanh tại khu chợ vải Ninh Hiệp. Vì ở đây, chủ yếu là họ bán buôn đi cả nước, chứ không bán lẻ”, anh D cho biết thêm.

Chuyên làm các đơn hàng gia công áo sơ mi, anh V.M. (Vũ Xuân Thiều, Hà Nội) cũng đang rơi vào tình trạng ế ẩm. Tình hình kinh doanh của anh Minh chỉ được bằng một nửa so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Bán quần áo ế ẩm, dân buôn giảm nhập một nửa hàng Trung Quốc - 2

Chia sẻ với PV, anh Minh cho biết: “Mùa này năm nào hàng cũng ít, nhưng năm nay ít hơn hẳn. Các mối đặt hàng của tôi toàn là các thương hiệu lớn ở Hà Nội mà cũng kêu ‘ế không bán được’.”

“Có 2 lý do chính dẫn đến tình trạng này, thứ nhất là do mùa này may hàng thu đông thì sớm quá, mà hàng hè thì đã làm xong hết, nên không có hàng sản xuất. Thứ 2 là, mẫu mã thu đông trên các web chưa có, nên chưa định hình được xu hướng năm nay sẽ như thế nào nên không ai dám làm”, anh M. chia sẻ thêm.

Để kích cầu tiêu dùng thời điểm này, các cửa hàng thời trang cũng đang chạy chương trình giảm giá khá mạnh, ngang với Black Friday. Thậm chí, các chương trình này còn là giảm giá 50%, đồng giá 150 - 199 nghìn đồng nhiều sản phẩm hot. Những chiếc quần khaki bình thường có giá 600 nghìn đồng, thì nay chỉ còn khoảng 199 nghìn đồng.

Tình trạng ế ẩm này ngay cả người đi buôn, người bán lẻ và người sản xuất cũng chưa tìm được câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà người tiêu dùng có thể mua được hàng với giá rẻ hơn so với các dịp khác trong năm.

Thế Hưng

Bán quần áo ế ẩm, dân buôn giảm nhập một nửa hàng Trung Quốc - 3