Tác phẩm sanh cổ “Tiên lão giáng trần” của ông Dương Văn Mười (Thường Tín, Hà Nội) mới được chuyển nhượng cho nghệ nhân Nguyễn Văn Chí (Thường Tín) với giá 16 tỷ đồng làm “chấn động” giới chơi cây cảnh
Trong giờ phút chia tay “đứa con” của mình, ông Mười bật khóc vì tác phẩm đã theo ông rất nhiều năm, nay phải chia tay đầy nuối tiếc
Còn nghệ nhân Nguyễn Văn Chí vui sướng vì sở hữu được “báu vật”. Ông Chí chia sẻ: “Trước đêm xuống tiền mua cây và đêm hôm sau đã sở hữu cây đều không ngủ được vì cảm thấy hạnh phúc".
"Sở hữu một “báu vật” tôi cảm thấy may mắn vì đã vượt qua được rất nhiều đại gia có hàng trăm tỷ, nghìn tỷ chơi cây", chủ nhân mới của tác phẩm tâm sự
Theo nghệ nhân Văn Chí, đây là cuộc giao dịch thật chứ không phải giao dịch ảo để “làm giá” vì ông đã theo đuổi tác phẩm này từ lâu. "Không ngờ, bây giờ tôi lại sở hữu được tác phẩm. Tôi bỏ ra nhiều tỷ mua một cái nhà không hạnh phúc bằng bỏ ra 16 tỷ đồng mua cây", ông Chí nói.
Ông Chí nói thêm: "Tôi rất khâm phục anh Mười vì anh giữ được tác phẩm quý trong vườn sau nhiều năm bởi anh Mười không phải là đại gia, anh chỉ là một người nghệ nhân yêu cây cảnh nghệ thuật", anh Chí cho biết.
Tác phẩm “Tiên lão giáng trần” đã về vườn nhà ông Chí, sau này nếu ai muốn sở hữu thì phải bỏ ra rất nhiều tiền, chắc không dưới 1 triệu USD.
Giữa tháng 3/2019, thông tin cây sanh mang tên “Tiên lão giáng trần” của ông Mười được một đại gia Dũng "Việt Trì" mua lại với giá 16 tỷ đang khiến giới sinh vật cảnh chấn động. Tuy nhiên, cuộc mua bán không thành công.
Tác phẩm đã được đem đi một số triển lãm, đến triển lãm nào đều thu hút giới chơi cây “thèm thuồng” bởi đây là một “báu vật” hiếm có trong làng cây cảnh ở Việt Nam.
Theo tìm hiểu, cây “Tiên lão giáng trần” có nguồn gốc là ngọn của một cây sanh khác, được ông Mười cắt ra và chăm sóc trong khoảng hơn 10 năm.
Cây sanh này cho ra bộ rễ đẹp, thân kỳ quái với những vết sẹo của năm tháng hằn lên, mốc trắng... .
Cây sanh này cao khoảng gần 2m, đặt trong chậu dài 1,5m. Thân cây chủ được ông Mười mua của một người dân sinh sống ở vùng Phát Diệm – Ninh Bình, có tuổi đời khoảng 300 năm.
Giá trị nhất của Tiên lão giáng trần nằm ở phần thân kỳ, quái của cây. Những khối, cục mốc trắng càng làm tăng thêm độ đẹp của cây mà không có công nghệ nào có thể làm ra được, chỉ có cây tuổi đời lâu năm mới có.
Giới chơi cây cảnh đều cho rằng, tác phẩm “Tiên lão giáng trần” xứng đáng với số tiền 16 tỷ đồng. Lý giải về điều này, nhiều người cho rằng tác phẩm cây cảnh nghệ thuật là đứa con tinh thần được kết tinh bao giá trị văn hóa, sáng tạo lao động, những trải nghiệm và thăng trầm mà không dễ gì một đời người có được.
Theo Hồng Phú
Dân Việt