"Bản thân cô đã chữa hơn 40 năm, chưa có bệnh nhân nào bảo là không khỏi, từ nam ra bắc. Chỉ sợ những người không uống thuốc của nhà cô thôi. Uống là khỏi 100%", người tự xưng là lương y Phạm Thị Lĩnh tuyên bố trong video quảng cáo.
Ám ảnh vì quảng cáo "thuốc trị xương khớp" xuất hiện dày đặc
Theo đó, trên các hội nhóm, nhiều người dùng than phiền rằng họ liên tục gặp phải quảng cáo trị xương khớp bằng thuốc nam khi xem video trên nền tảng YouTube. Điều đáng nói là tần suất xuất hiện quảng cáo của nội dung này dày đặc đến mức khiến người dùng cảm thấy ám ảnh và khó chịu.
Quảng cáo "thuốc trị xương khớp" xuất hiện dày đặc, ám ảnh người dùng YouTube tại Việt Nam.
"Chỉ trong một buổi tối, tôi bắt gặp quảng cáo "thuốc trị xương khớp" không dưới 5 lần. Nó có thể xuất hiện trên mọi thiết bị từ TV, smartphone và cả máy tính. Cứ mỗi khi mở một video mới là tôi lại phải nghe câu "bà con, ai đang gặp các vấn đề về xương khớp gọi cho tôi". Điều này khiến tôi cảm thấy rất mệt mỏi", anh Trung Hiếu, sống tại Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ.
Anh Hiếu cũng cho biết thêm rằng bản thân không có bất kỳ nhu cầu nào liên quan đến sức khỏe và cũng không tìm kiếm thuốc trị xương khớp trong thời gian gần đây. Dù vậy, những lời mời chào mua thuốc vẫn không ngừng xuất hiện với tần suất cao.
Trên các kho ứng dụng, YouTube cũng đang bị người dùng Việt phản đối mạnh mẽ về việc để cho quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan. Nhiều người cho rằng việc YouTube nhắm mắt ngó lơ cho những quảng cáo này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
"Đề nghị YouTube xem xét lại nội dung quảng cáo. Gần đây, các quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc xuất hiện một cách dày đặc, cực kỳ phản cảm, khiến người xem vô cùng khó chịu", một người dùng nhận xét trên App Store kèm với đánh giá 1 sao.
"Tôi có thói quen vừa làm việc vừa nghe nhạc trên YouTube để giúp tập trung. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cứ bật video lên là tôi bắt gặp quảng cáo trị xương khớp. Tần suất xuất hiện của quảng cáo này ngày càng nhiều khiến tôi buộc phải chuyển qua nền tảng chuyên nghe nhạc khác để sử dụng", chị Thanh Bình, một nhân viên văn phòng tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết.
Quảng cáo "thuốc trị xương khớp" vi phạm nghiêm trọng chính sách của Google
Theo chính sách về chăm sóc sức khỏe và thuốc trên trang web của Google, thuốc là mặt hàng cấm chạy quảng cáo tại Việt Nam.
"Chúng tôi cam kết tuân thủ các quy định quảng cáo về chăm sóc sức khỏe và thuốc, do đó chúng tôi hy vọng rằng quảng cáo và đích đến tuân theo các luật và tiêu chuẩn ngành phù hợp. Một số nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe hoàn toàn không được phép quảng cáo, trong khi các nội dung khác chỉ được quảng cáo nếu nhà quảng cáo được chứng nhận với Google và chỉ nhắm mục tiêu đến các quốc gia được chấp thuận", chính sách Google cho biết.
Quảng cáo thuốc đông y, thuốc nam vi phạm nghiêm trọng chính sách của Google.
Theo đó, thuốc kê đơn chỉ được phép quảng cáo ở Canada, New Zealand, Mỹ. Thuốc không kê đơn chỉ được quảng cáo ở hơn 20 quốc gia, trong đó không bao gồm Việt Nam.
"Các nhà sản xuất thuốc số lượng lớn, nhà cung cấp y tế chuyên nghiệp và nhà cung cấp kháng thể/peptit/hợp chất cho phòng thí nghiệm thương mại chỉ có thể quảng cáo ở những quốc gia sau: Canada, Mỹ", chính sách YouTube viết.
Như vậy, Việt Nam nằm ngoài danh sách quốc gia được Google cho phép quảng cáo thuốc. Thế nhưng, quảng cáo "thuốc trị xương khớp" vẫn liên tục xuất hiện trên nền tảng YouTube từ TV, máy tính đến cả smartphone của người dùng Việt.
Theo Google, các lỗi vi phạm đối với chính sách chăm sóc sức khỏe và thuốc là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, những nội dung quảng cáo thuốc đông y, thuốc nam vẫn tồn tại nhan nhản trên nền tảng này. Còn nhớ vào khoảng thời gian cuối năm 2020, người dùng YouTube tại Việt Nam cũng liên tục "tra tấn" bởi quảng cáo "ba đời trị sỏi thận".
Cơ quan y tế của Việt Nam cũng nhiều lần cảnh báo về loại quảng cáo này. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng , thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo "nhà tôi 3 đời" rất phổ biến trên mạng xã hội, từ 3 đời chữa trĩ, yếu sinh lý, bệnh ngoài da... Những quảng cáo này đều vi phạm quy định.
Thế Anh