Mất cả trăm triệu USD, ông Phạm Nhật Vượng vẫn thăng hạng “chóng mặt”
Phiên giao dịch ngày 25/10, cổ phiếu VIC của Vingroup mất 2.000 đồng tương ứng sụt hơn 2% còn 96.800 đồng, qua đó khiến giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng sụt mất khoảng 3.730 tỷ đồng so với phiên trước đó.
Cổ phiếu VIC đã giảm 14.719 đồng tương ứng 13,2% so với đỉnh giá thiết lập ngày 9/4. Song, nếu so với mức giá của VIC 1 năm về trước thì mã này vẫn tăng rất mạnh gần 111% (tăng hơn gấp đôi).
Với giá trị tài sản 6,5 tỷ USD, ông Phạm Nhật Vượng đang là người giàu nhất Việt Nam
Theo thống kê của Tạp chí Forbes, ông Phạm Nhật Vượng đang có khối tài sản ròng trị giá 6,5 tỷ USD, xếp thứ 228 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. So với đợt xếp hạng năm 2018 thực hiện vào hồi tháng 3, ông Phạm Nhật Vượng đã thăng hạng 271 bậc và giá trị tài sản theo thống kê cũng tăng 2,2 tỷ USD.
Đại gia nào đang sở hữu hàng loạt sân golf ở Việt Nam?
Thời gian qua, hàng loạt doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam đã đầu tư vào các dự án sân golf lớn. Tiêu biểu là ông Dương Công Minh, người từng được dư luận nhắc tới do liên quan tới việc thu hồi sân golf, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, khối tài sản của ông chủ Tập đoàn Him Lam trải dài khắp đất nước thì không phải ai cũng biết.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC
Trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hệ thống Him Lam hiện sở hữu 2 sân golf có vị trí đắc địa ngay gần trung tâm là Sân golf Long Biên và sân golf Tân Sơn Nhất do Cty CP Đầu tư Long Biên trực tiếp triển khai.
Còn bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG lại được biết tới với tư cách là một trong số các doanh nhân đầu tư cho môn golf ngay từ những ngày đầu sơ khai.
Sau gần 20 năm đồng hành cùng golf Việt Nam, bắt đầu từ việc đầu tư vào Kings Island Golf Resort với Lakeside, Mountainview và Kings Course, danh mục đầu tư vào sân golf của BRG còn có sân Ruby Tree (Hải Phòng), sân Legend Hill (Sóc Sơn, Hà Nội), hay gần đây là sân BRG Da Nang Golf Resort, trước đó vốn là Danang Golf Club.
Trong khi đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, cũng từng nhiều lần chia sẻ trước truyền thông về đầu tư sân golf là một trong những chiến lược kinh doanh của Tập đoàn.
Đại gia bí ẩn gốc Sơn La có túi tiền nghìn tỷ là ai?
Bên cạnh nhân vật “ai cũng biết” của Thế giới di động là ông Nguyễn Đức Tài, một người khác cũng nắm trong tay hàng nghìn tỷ đồng, đó là ông Điêu Chính Hải Triều.
Ông Điêu Chính Hải Triều - một trong những sáng lập viên của Thế giới Di động.
Ông Triều hiện là Giám đốc kỹ thuật kiêm Thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG).
Với việc trực tiếp sở hữu 2.857.510 cổ phiếu MWG (tỷ lệ sở hữu 0,89%) và gián tiếp sở hữu 8.113.630 cổ phiếu MWG (tỷ lệ sở hữu 2,51%), hiện ông Triều đang sở hữu khối tài sản trên sàn tương tương 1.240 tỷ đồng, giúp ông có tên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt với vị trí thứ 54.
Có rất ít thông tin về ông Điêu Chính Hải Triều. Chỉ biết rằng cùng với ông Trần Lê Quân, Nguyễn Đức Tài, Đinh Anh Huân và Trần Huy Thanh Tùng, bộ 5 người này chính là những người viết nên lịch sử của Thế giới Di động.
Hé lộ số vốn 'khủng' bầu Thắng đang nắm giữ tại Đồng Tâm
Là người đứng đầu của một tập đoàn lớn và từng là ông chủ của một ngân hàng, bầu Thắng được coi là một trong những “đại gia” giàu nhất Việt Nam.
Tại Đồng Tâm, quyền lực của bầu Thắng gần như là tuyệt đối. Cụ thể, ông Võ Quốc Thắng nắm gần 47,4% cổ phần Đồng Tâm, tương đương sở hữu hơn 32,2 triệu cổ phần; các cổ đông còn lại liên quan đến ông là anh ruột ông Thắng – ông Võ Văn Khuyến, sở hữu hơn 9,8 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 14,5%; ngoài ra, vợ ông Thắng là bà Nguyễn Thị Thu Hồng cũng nắm gần 4,9 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ gần 7,2%.
Tính ra, số lượng cổ phần của 3 cổ đông này đạt hơn 68 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 69,10%. Tỷ lệ này không có sự thay đổi so với các con số đã được công bố công khai trong báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2017 của doanh nghiệp.
Vực dậy “ông trùm” ngành gỗ: Cú “bắt tay” bất ngờ của đại gia Mai Hữu Tín và bầu Thắng
Gỗ Trường Thành sẽ tăng vốn điều lệ lên 3.112 tỷ đồng sau khi sáp nhập thêm Công ty Sứ Thiên Thanh, một đơn vị liên kết của Gạch Đồng Tâm. Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu sẽ là 8,21 cổ phiếu TTF đổi lấy 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh.
Ông Mai Hữu Tín (phải) đang trong quá trình tái cơ cấu toàn bộ Gỗ Trường Thành
Số cổ phiếu TTF dự kiến phát hành để hoán đổi là 96,59 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ sau phát hành dự kiến được nâng lên 3.112 tỷ đồng.
Sau sáp nhập, Gỗ Trường Thành và Công ty Sứ Thiên Thanh sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, Sứ Thiên Thanh thành công ty TNHH một thành viên.
Tại phiên họp ĐHĐCĐ diễn ra chiều 25/10, Ban lãnh đạo của Gỗ Trường Thành cũng đã trình nội dung phương án đổi tên công ty thành CTCP Total Furniture và bổ sung thành viên HĐQT là ông Nguyễn Trọng Hiếu sau khi ông Hà Hoàng Thế Quang thôi nhiệm theo nguyện vọng cá nhân từ 6/9.
Thế Hưng