Fica
  1. Doanh nghiệp

  2. Thị trường

Xuất khẩu tôm vào Mỹ liệu có bị sụt giảm vào đầu 2019?

Mai Chi
Mai Chi

Thời gian 3 tháng từ nay đến khi Chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu (SIMP) có hiệu lực là quá ngắn để có thể thay đổi tình hình hiện tại. Do đó, xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ có thể sụt giảm trong các tháng đầu năm 2019.

Mức thuế chống bán phá giá cuối cùng đối với tôm Việt Nam cho kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR 12) (từ 1/2/2016 đến 31/1/2017) đã được công bố vào ngày 10/9/2018: tất cả công ty đều bị đánh thuế 4,58%.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đây là thông tin rất tốt cho ngành tôm Việt Nam vì thuế suất cuối cùng thấp hơn nhiều so với mức thuế sơ bộ của POR 12 (25,39%) và so với mức thuế cuối cùng của POR 11 (25,76%).

Xuất khẩu tôm được dự kiến sẽ hồi phục mạnh trong các tháng còn lại của năm 2018 và năm 2019. Tuy nhiên, vẫn còn một rào cản phức tạp hơn mà các nhà xuất khẩu Việt Nam phải vượt qua, đó là Chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu (SIMP), có hiệu lực vào 31/12/2018.

Theo VDSC, tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải tuân thủ theo bộ quy tắc mới về cơ sở truy nguyên nguồn gốc. Dữ liệu của toàn bộ quá trình từ việc nuôi trồng hay đánh bắt đến khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải được khai báo và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA). NOAA là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về chương trình này.

Các yêu cầu từ Mỹ vẫn có thể gây trở ngại lớn cho con tôm Việt Nam

Thoạt trông, chương trình này có vẻ đơn giản để tuân theo và chi phí hồ sơ chỉ 30 USD/ hồ sơ. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, VDSC thấy rằng các yêu cầu sau đây có thể sẽ là trở ngại lớn khi được áp dụng vào thực tế:

Đầu tiên, NOAA yêu cầu nhà nhập khẩu Hoa Kỳ thay mặt cho nhà xuất khẩu Việt Nam khai báo thông tin. VDSC tin rằng điều này cũng có nghĩa là nhà nhập khẩu có trách nhiệm làm việc với chính quyền Mỹ nếu có bất kì vấn đề nào xảy ra liên quan đến sản phẩm của nhà xuất khẩu. Vì vậy, đối với các nhà xuất khẩu ở Việt Nam, tìm được một nhà nhập khẩu như vậy là không dễ dàng.

Tuy nhiên, vẫn còn một lựa chọn khác. Nhà xuất khẩu Việt Nam có thể thành lập pháp nhân và thực hiện đăng ký kinh doanh tại Hoa Kỳ. Sau đó, công ty này sẽ khai báo cho công ty mẹ tại Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các nhà xuất khẩu không đủ mạnh về tài chính để lựa chọn phương án này.

Trở ngại thứ hai cũng là lớn nhất đó là yêu cầu nhà xuất khẩu phải chứng minh nguồn gốc tôm nguyên liệu mua từ nông dân hay ngư dân nếu khối lượng mua lớn hơn 1.000 kg mỗi ngày. Bằng chứng phải bao gồm địa điểm canh tác và giấy phép nuôi tôm.

Những yêu cầu của NOAA có vẻ  “bất thường”  đối với Việt Nam vì các công ty khi mua tôm từ bên ngoài chỉ quan tâm đến dư lượng, kích thước, chủng loại, vv… và không yêu cầu nông dân phải có giấy phép nuôi trồng. Ngoài ra, phần lớn người nuôi tôm là các hộ gia đình và luật pháp không yêu cầu họ phải có giấy phép nuổi trồng thủy sản.

Theo Nghị định 59/2005/NĐ-CP về các điều kiện sản xuất và kinh doanh một số ngành nghề thủy sản, yêu cầu quan trọng nhất để được cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản là các trang trại phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng, các tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trên thực tế, theo VDSC, hầu hết các trang trại nuôi tôm quy mô hộ gia đình không đáp ứng được điều kiện này. Điển hình là phần lớn các trại nuôi tôm không có hệ thống xử lý nước thải do quỹ đất hạn hẹp. Do đó, các hộ này không đủ điều kiện được cấp giấy phép.

Đầu tư để đạt các tiêu chuẩn nuôi trồng đòi hỏi vốn lớn ngoài khả năng tài chính của các hộ nông dân. Mặt khác, nguồn vốn vay ngân hàng hạn chế do các ngân hàng e ngại rủi ro lớn trong lĩnh vực thủy sản trong khi các hộ không còn tài sản có giá trị lớn để thế chấp sau khi đã thế chấp sổ đỏ để vay vốn nuôi tôm trước đây.

Bên cạnh đó, việc các hộ nông dân chuẩn hóa hoạt động nuôi trồng và/ hoặc hợp tác với nhau để đi đến một giải pháp toàn diện và dài hơi sẽ cần rất nhiều thời gian. Thời gian 3 tháng từ nay đến khi SIMP có hiệu lực, theo đó, là quá ngắn để có thể thay đổi tình hình hiện tại. Do đó, xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ có thể sụt giảm trong các tháng đầu năm 2019.

Tuy nhiên, VDSC cho hay, qua trao đổi với Minh Phú thì xuất khẩu của Công ty vào Mỹ có thể sẽ không bị ảnh hưởng. Về SIMP, công ty con MSEAFOOD của Minh Phú tại Mỹ sẽ hỗ trợ trong việc khai báo thông tin với NOAA và tất cả các nhà cung cấp tôm nguyên liệu cho Minh Phú đã có giấp phép nuôi trồng. Thuế CBPG cũng không phải là một gánh nặng đối với Công ty do Minh Phú đã được miễn thuế CBPG từ năm 2016.

Mai Chi

Tin liên quan
Giá vàng có diễn biến mới

Giá vàng có diễn biến mới

Sáng nay (15/3), giá vàng SJC chững lại, quanh mốc 81,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn có xu hướng giảm, về mốc 69 triệu đồng/lượng. Đà giảm của vàng...