Ông Huỳnh Kim Tước, người có hơn 8 năm gắn bó với vị trí đại diện Facebook tại Việt Nam
Trên trang cá nhân, tối muộn 26/7, ông Tước đã nói lời chia tay Facebook và cảm ơn những người bạn đã đồng hành trong suốt 8 năm qua và bày tỏ niềm vui khi có cơ hội được phục vụ cộng đồng thông qua công việc tại Facebook.
Ông Huỳnh Kim Tước là Việt kiều Mỹ. Năm 2005 ông đảm nhận vị trí cố vấn thị trường Việt Nam cho Google và đến đầu năm 2011 ông Tước thông báo đã làm việc cho Facebook. Mặc dù có thời gian khá dài là đại diện cho Facebook tại Việt Nam nhưng ông Tước rất hiếm khi trả lời truyền thông hoặc lên tiếng liên quan đến những vấn đề về chính sách, định hướng hay trách nhiệm của Facebook tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, bà Nguyễn Ánh Nguyệt được xem là người có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực chính sách và pháp lý. Theo hồ sơ trên Linkedin của bà Nguyệt, trong thời gian "đầu quân" cho Uber Việt Nam, bà đã làm việc với các nhà làm luật, các cơ quan chính phủ và các đơn vị khác. Công việc của bà Nguyệt cũng bao gồm đại diện công ty trong các vấn đề pháp lý.
Trước đó, bà Nguyệt còn làm cố vấn pháp lý cấp cao tại Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (tại Hà Nội) trong thời gian gần một năm rưỡi, và gần 4 năm làm tại Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung, tức Bộ Ngoại giao Anh (Hà Nội) ở vị trí cố vấn chính trị cao cấp.
Tự đánh giá có khả năng nhạy bén về các vấn đề chính trị và có những hiểu biết giá trị về khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 12 năm kinh nghiệm, bà Nguyệt còn cho biết có khả năng lập kế hoạch chính sách chiến lược và kỹ năng quản lý khủng hoảng ở tầm cao.
Trong "bộ khung" quản lý của Facebook Việt Nam tất nhiên không thể không kể đến bà Lê Diệp Kiều Trang, người cũng mới được bộ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Facebook Việt Nam vào hồi tháng 3 năm nay, và là giám đốc người Việt đầu tiên của Facebook tại Việt Nam.
Gia nhập Facebook, bà Kiều Trang cho biết muốn trải nghiệm ở một vị trí cực kỳ thách thức với nhiệm vụ chuyên về phát triển kinh doanh của mạng xã hội Facebook tại Việt Nam.
Sự chuẩn bị nhân sự quản lý trên cho thấy dấu hiệu Facebook đang quan tâm nhiều hơn tới thị trường Việt Nam, không chỉ ở tiềm năng, cơ hội kinh doanh, mà cả ở các vấn đề về pháp lý và chính sách.
Theo Thuỷ Diệu
VnEconomy