Fica
  1. Doanh nghiệp

"Vua cá tra" Vĩnh Hoàn (VHC): Lợi nhuận khả quan nhờ cá ba sa nhưng lỗ nặng mảng kinh doanh chứng khoán

Tùng Nguyễn
Tùng Nguyễn

CTCP Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 với doanh thu đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 46%, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 76%, đạt 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vĩnh Hoàn cũng phải chịu lỗ trong mảng kinh doanh thị trường chứng khoán.

Theo báo cáo tài chính mới công bố, doanh thu của Vĩnh Hoàn sau 9 tháng đạt 10.800 tỷ đồng, tăng trưởng 69% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1.800 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 176%. 

Hai chỉ tiêu này lần lượt hoàn thành 78% và 81% dự báo cả năm. Tuy nhiên, đây lại là mức lãi thấp nhất trong một năm qua và là tín hiệu đáng chú ý với các doanh nghiệp có chu kỳ như Vĩnh Hoàn. Kết quả kém lạc quan so với các quý trước đến từ sự hạ nhiệt của thị trường cá tra trong những tháng gần đây, với giá bán và sản lượng bắt đầu giảm.

Cơ cấu lợi nhuận của Vĩnh Hoàn năm 2022.

Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong 9 tháng tăng mạnh nhờ lợi nhuận gộp tăng 124% do được hỗ trợ bởi giá bán tốt hơn, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (SG&A)/doanh thu cải thiện 1,7 % từ 6,3% trong 9 tháng năm 2021 còn 4,6% trong 9 tháng năm 2022 và thu nhập ròng khác của 9 tháng năm nay dương so với mức âm của cùng kỳ năm ngoái.  

Mức độ tăng trưởng của Vĩnh Hoàn (Nguồn: BCTC).

Trong 9 tháng, doanh thu theo cơ sở tương đương của Vĩnh Hoàn (hoạt động kinh doanh cá tra cốt lõi, không tính Sa Giang - công ty con của Vĩnh Hoàn kể từ tháng 1/2021) tăng 76%  nhờ doanh số bán cá tra phi lê đông lạnh và các sản phẩm liên quan (như cá tẩm bột, mỡ cá, bột cá và thức ăn chăn nuôi) tăng 75%.

Doanh số collagen và gelatin (C&G) trong 9 tháng tăng 33% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu trên thị trường quốc tế tăng lên trong lĩnh vực mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe và thực phẩm. Tuy nhiên, tăng trưởng mảng C&G trong quý III đạt 13%, chậm hơn mức tăng 48% của quý II. 

Doanh thu theo sản phẩm của Vĩnh Hoàn năm 2022 (Nguồn: BCTC).

Theo ước tính, biên lợi nhuận gộp chung trước dự phòng hàng tồn kho tăng 7,6% lên 25,9% trong quý III do giá bán trung bình cá phi lê đã tăng đạt 4,7-5,0 USD/kg trong tháng 8 và 9 nhờ giá bán cao, đặc biệt tại thị trường Mỹ và công ty hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá USD/VND trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, cũng phải lưu ý rằng Vĩnh Hoàn cũng đang lỗ 24% với 27,01 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu KBC và các khoản đầu tư vào các cổ phiếu khác cũng lỗ 42%. Cuối quý III, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng thêm hơn 1.190 tỷ đồng so với đầu năm lên 4.043 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn chiếm phần lớn với tỷ lệ hơn 95,1%, tương ứng với 3,847 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 41,2% so với đầu năm, lên 2.671,3 tỷ đồng và chiếm 22,4% tổng nguồn vốn.

Tính tới cuối quý III năm nay, “vua cá tra” đang ghi nhận khoản dự phòng giảm giá chứng khoán gần 79 tỷ đồng, tương ứng với mức lỗ 41% dựa trên giá gốc 191 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn tăng 38% so với đầu năm đạt 2.943,1 tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng tài sản. Hàng tồn kho cũng tăng mạnh 56,5% lên 2.805 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9 và phải dự phòng giảm giá hàng tồn kho 371 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh theo thị trường khu vực của VHC      

Doanh thu VHC theo thị trường khu vực (Nguồn: BCTC).

Theo từng thị trường, doanh thu 9 tháng năm nay từ thị trường Mỹ (thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn) và các thị trường khác (ngoại trừ Mỹ, Trung Quốc và châu Âu) tăng 92%. Tăng trưởng doanh thu thấp hơn tại châu Âu (mức tăng 26%) và Trung Quốc (tăng 23%).

Tùng Nguyễn