Lướt qua các tuyến phố có nhiều cửa hàng chuyên bán đồ chơi trẻ em ở Hà Nội như Hàng Mã, Lương Văn Can, Nguyễn Lương Bằng, Lò Đúc,… có thể dễ dàng nhận thấy, những sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài vẫn chiếm ưu thế trên thị trường.
Các cửa hàng bán đồ chơi đang bắt đầu nhộn nhịp hơn vì cũng đã sắp đến trung thu
Các sản phẩm cao cấp được nhập khẩu từ Mỹ hoặc châu Âu có giá thành khá cao, thường chỉ bày bán tại các cửa hàng chuyên đồ xách tay và các trung tâm thương mại lớn. Còn lại các sản phẩm bình dân đa phần đều là hàng Trung Quốc và một phần nhỏ hàng Việt Nam đang được bày bán tại đó.
Ở phân khúc hàng cao cấp, các bộ đồ chơi lego nhỏ xinh nhưng đã có giá tới 300.000 đồng. Các loại robot, siêu nhân, vũ trụ anh hùng thì có thể lên tới cả vài triệu đồng tùy theo kích thước. Trong khi đó, các sản phẩm đồ chơi bình dân có giá dao động chỉ từ 20.000 đồng/sản phẩm. Các loại đồ chơi ngoại cỡ như ô tô điều khiển từ xa hay rô bốt biến hình cỡ lớn cũng chỉ có giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng.
Đồ chơi nhập khẩu được bán chủ yếu tại các trung tâm thương mại
Chủ cửa hàng bán đồ chơi ở Lương Văn Can, chị T.T.D. cho biết, đồ chơi trẻ em trước đây chỉ thực sự tiêu thụ mạnh vào dịp Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, vào dịp Noel cũng khá khẩm hơn ngày thường một chút… Nhưng hiện nay, mức sống ngày càng được nâng lên, trẻ nhỏ không chỉ được quan tâm, tạo điều kiện hơn, mà còn bởi đồ chơi trên thị trường hiện nay rất đa dạng và phong phú. Sự đa dạng về chủng loại, mà giá thành lại vừa với mức thu nhập nên các bậc phụ huynh không cần phải quá đắn đo khi quyết định cho trẻ.
Thế nhưng, các mặt hàng bán chạy lại thường là đồ chơi Trung Quốc bắt mắt cập nhật theo xu hướng các bộ phim hoạt hình mà trẻ hay xem. Điều đáng tiếc do chơi đồ chơi không rõ nguồn gốc này đã xảy ra nhiều lần, năm 2015, trường hợp cháu Yến N. được người nhà mua tặng bộ đồ chơi nấu ăn không rõ nguồn gốc. Nhưng đến gần tối, người thân hoảng hốt khi phát hiện đôi môi của cháu N bỗng dưng sưng vù bất thường.
Khi hỏi, cháu cho biết không làm gì khác ngoài chơi và ngậm bộ đồ chơi nấu ăn mới. Hôm đó, cháu được đưa đi khám. Bác sĩ nhận định, cháu bị dị ứng chất lạ trong bộ đồ chơi.
Chọn đồ chơi cho trẻ cần hết sức lưu ý
Chia sẻ về chất lượng nhựa của các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc, giám đốc một công ty nhựa ở Gia Lâm, anh N.T. cho biết: “Đã gọi là nhựa tái chế thì không biết tái chế từ cái gì ra, ví dụ cái loại nhựa xanh, đỏ nhiều màu hoàn toàn có thể được tái chế từ vỏ 1 hộp ắc quy cũ độc hại. Do đó, đã là không rõ nguồn gốc thì chắc chắn không đảm bảo an toàn nếu trẻ chơi.”
Làng nghề sản xuất nhựa
“Để sản xuất ra đồ chơi kiểu này, các thương lái Trung Quốc cũng đã đi rất nhiều nơi để thu mua nhựa phế liệu. Ngay ở Việt Nam, rất nhiều tỉnh hiện nay đều có làng kinh doanh nhựa phế liệu, nhưng làm ăn lớn với thương lái Trung Quốc thì phải kể đến Yên Phong (Bắc Ninh), làng Khoai (Hưng Yên), Phổ Yên (Thái Nguyên), Thường Tín (Hà Nội),…”, anh T. nói.
Nếu lần đầu vào các làng nghề làm nhựa phế liệu, ai không quen sẽ cảm thấy buồn nôn và khó thở vì các mùi khó chịu, sự ô nhiễm với các bãi rác cao như núi và nước thải chảy ra các cống đen ngòm.
Cống rãnh tại một số làng nghề đen ngòm và đầy rác thải
Hoạt động tại các làng nghề này được anh T. chia sẻ: “Tại đây, nhựa phế thải được thu gom từ bất kì đâu, bất kì thứ nhựa gì, chỉ cần nấu chảy và cho ra thành phẩm các hạt nhựa là được. Các hạt nhựa sẽ có nhiều màu sắc, hạt nào nhiều màu thì chắc chắn là loại nhựa đã qua sử dụng, có giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. Hạt nhựa trắng sẽ có giá cao hơn, nhưng nếu càng trắng trong thì giá càng cao, khoảng 30.000 - 31.000 đồng/kg.”
Các nhà làm nhựa trong làng chất hàng đầy sân
“Đội ngũ thương lái Trung Quốc thường xuyên “ăn chực nằm chờ” ở các làng nghề này để mua nhựa. Các xưởng làm nhựa tại đó cũng thích làm ăn với thương lái Trung Quốc hơn. Vì bán rẻ hơn một chút nhưng có bao nhiêu thương lái Trung Quốc ôm hết sản lượng và trả tiền “tươi”. Còn làm ăn với các doanh nghiệp trong nước thì toàn bị “đọng” tiền vì nhỡ đâu, nhựa này không dùng được”, anh T. chia sẻ thêm.
Nhựa phế liệu về Trung Quốc sẽ sản xuất được nhiều thứ, nhưng các loại đồ chơi, đồ dùng nhựa, ống hút,…liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người cũng sẽ được bán xuất đi khắp nơi, trong đó có Việt Nam.
Đồ chơi trẻ em hiện nay nếu được làm từ nhựa PP thì sẽ đảm bảo an toàn cho trẻ. Thế nhưng,giá của chúng hiện đang ở mức 35.000 - 37.000 đồng/kg, gấp 3,5 lần nhựa thải. Do đó, theo anh T., vì lợi nhuận một số DN sản xuất đồ chơi hiện nay còn có mánh khóe là, mang khoảng 50 hàng đi kiểm định là nhựa đảm bảo chất lượng, nhưng khi sản xuất hàng vạn sản phẩm thì lại là nhựa “khác”.
Thế Hưng