Fica
  1. Doanh nghiệp

Vận tải biển lỗ nặng, nguy cơ “đắp chiếu” toàn đội tàu vì dịch corona

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Dịch Covid 19 khiến sản lượng vận tải biển toàn đội tàu của Vinalines sụt giảm, doanh thu “trượt” khoảng 600 tỷ đồng, lỗ sẽ tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng và nguy cơ phải dừng hoạt động toàn đội tàu.

Thị trường “tê liệt”

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng chỉ rõ, trong tháng 1/2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 2,75 tỷ USD, giảm đến hơn 35% so với tháng 12/2019. Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm hơn 20%.

Đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết: Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành trong đó vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải phải chịu tác động khá tiêu cực. Đội tàu của Vinalines chủ yếu hoạt động trên các tuyến Đông Nam Á, Đông Bắc Á, trong đó sản lượng và doanh thu liên quan đến thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30%...

Ngoài việc ảnh hưởng đến các tuyến khai thác đi và đến Trung Quốc, dịch bệnh còn ảnh hưởng chung đến toàn bộ thị trường vận tải biển khu vực cũng như trên toàn thế giới, khan hiếm nguồn hàng, tiền cước, sự gia tăng ngày tàu chờ/chạy rỗng dẫn tới sự tăng vọt về chi phí…

Đối với lĩnh vực được xem là “con gà đẻ trứng vàng” là khai thác cảng biển, đơn như cảng Quy Nhơn - một trong những đơn vị có nhiều tuyến vận tải hàng hóa đến các cảng phía Nam Trung Quốc, tuy điểm đến cách xa vùng tâm dịch, song mới chỉ sau Tết Nguyên Đán thời gian dỡ hàng của tất cả các tàu đều lâu hơn do thời gian kiểm tra của phía Trung Quốc kéo dài hơn.

Vận tải biển lỗ nặng, nguy cơ “đắp chiếu” toàn đội tàu vì dịch corona - 1

Bến cảng Tân Vũ - Cảng Hải Phòng

“Thời gian phát sinh khiến sản lượng chuyên chở của các tàu vận tải giảm từ 10 - 15%, kéo theo sản lượng hàng hóa thông qua cảng cũng bị giảm với tỷ lệ tương đương. Nếu thời gian trước, cảng Quy Nhơn khai thác 30/30 ngày, hiện tại số giờ làm việc của cảng chỉ còn 20 ngày. Tính trong tháng 1/2020, riêng Cảng này đã thiếu hụt khoảng 100.000 tấn hàng so với chỉ tiêu đề ra” - đại diện Vinalines nói.

Sản lượng hàng thông qua các cảng của Vinalines hàng năm khoảng trên 100 triệu tấn, trong đó lượng hàng từ Trung Quốc, Đài Loan chiếm khoảng 35-40% tổng sản lượng. Do tàu không cập cảng, thời gian neo tàu dài và không có hàng dẫn tới các doanh nghiệp cảng biển cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các hãng tàu lớn trên thế giới như Maersk, MSC, CMA-CGM, ... đều cắt giảm sản lượng do phải loại bỏ các cảng của Trung Quốc trong hành trình, dẫn tới giảm 30-40% sản lượng bốc xếp tại cảng.

Hoạt động logistics của doanh nghiệp dịch vụ hàng hải với các khách hàng Trung Quốc hiện đang tạm dừng, đội xe chưa được xuất cảnh qua biên giới, hàng hóa vận chuyển bằng đường biển sang các cảng Trung Quốc cũng tạm dừng do các hãng tàu đã chủ động cắt tất cả các chuyến tàu có lịch trình vào Trung Quốc, Đài Loan. Hoạt động tạm nhập tái xuất và hoạt động của các ICD bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chi phí lưu kho đặc biệt là kho lạnh tăng cao.

Doanh thu “lao dốc”

Theo kịch bản dự kiến, nếu dịch bệnh kéo dài hết quý 1 sang quý 2/2020 thì kết quả sản xuất kinh doanh của Vinalines sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

Dự kiến 6 tháng đầu năm, sản lượng khối cảng biển toàn Tổng công ty ước tính giảm gần 19 triệu tấn, doanh thu ước giảm 992 tỷ đồng và giảm khoảng 224 tỷ đồng lợi nhuận.

Sản lượng vận tải của đội tàu Vinalines giảm 10-15%, doanh thu giảm khoảng 600 tỷ đồng và lỗ toàn đội tàu sẽ tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng, đặc biệt là đối với nhóm tàu đóng mới bằng nguồn vốn vay - việc trả nợ gốc và lãi vay đối với các khoản nợ và các ngân hàng thương mại là vô cùng khó khăn.

“Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài hết quý I sang đến giữa quý II/2020, nhiều khả năng hầu hết đội tàu của Vinalines sẽ phải dừng hoạt động, dẫn tới không có dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tàu” - đại diện Vinalines nhấn mạnh.

Vinalines đã xây dựng các kịch bản ứng phó, đồng thời rà soát, phân tích đánh giá cụ thể tác động của việc hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là liên quan đến thị trường Trung Quốc.

Các doanh nghiệp vận tải biển do chịu ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh, ngoài việc cơ cấu lại các nguồn lực, tiết giảm chi phí, đẩy mạnh công tác thị trường, thúc đẩy các loại hàng hóa/dịch vụ ít bị ảnh hưởng bởi thị trường truyền thống Trung Quốc, như hàng đi châu Âu, các nước Đông Nam Á..

Vinalines cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về thuế, nguồn hàng; kiến nghị các ngân hàng và tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp của Tổng công ty; Thực hiện cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, khoanh nợ gốc khi chưa xử lý nợ… nhằm hỗ trợ vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid 19 gây ra.

Theo thống kê của Lloyd’s List Intelligence, chỉ riêng tuần thứ 6 của năm 2020, số chuyến tàu vào các cảng của Trung Quốc đã giảm tới 23%, trong đó tuyến đi Mỹ bị hủy 82 chuyến, tuyến đi châu Âu bị hủy 54 chuyến, tương đương mức giảm 300.000 đến 350.000 TEU/tuần.

Ước tính doanh thu của các hãng tàu bị giảm tới 350 triệu USD/tuần. Theo dự báo, tình trạng này nhiều khả năng sẽ kéo dài trong một vài tháng tới.

Châu Như Quỳnh