Cụ thể, con số sơ bộ năm 2018 mà hải quan công bố ngày 9/8, Việt Nam đã xuất hơn 92.000 tấn vải (bao gồm cả vải tươi và vải sấy khô), đạt giá trị hơn 40,8 triệu USD, tăng mạnh 172% về lượng và tăng mạnh 126% về trị giá so với kết quả đạt được trong niên vụ năm 2017.
Xuất khẩu vải tươi đạt hơn 75 nghìn tấn (chiếm 81,5% về mặt lượng), trị giá đạt 30,9 triệu USD; giá bình quân khoảng 9.500 đồng/kg. Vải sấy khô đạt hơn 17 nghìn tấn với trị giá là hơn 9,9 triệu USD, giá trung bình hơn 13.400 đồng/kg.
Quả vải của Việt Nam đã có mặt tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhiều hơn so với niên vụ 2017 (chỉ là 19 quốc gia, vùng lãnh thổ). Các thị trường tiêu biểu là Trung Quốc, Úc, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hoa Kỳ...
Trong đó riêng xuất sang trung Quốc đã đạt 83.500 tấn vải, giá trị đạt hơn 33,9 triệu USD. Trung bình, giá vải Việt Nam xuất sang Trung Quốc là 9.300 đồng/kg.
Lượng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tới 90,7% tổng lượng xuất khẩu vải của cả nước trong niên vụ này.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy số lượng doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất khẩu quả vải trong niên vụ 2018 cũng tăng đáng kể, cao gấp hai lần so với niên vụ 2017. Cụ thể trong niên vụ năm nay, có tới 97 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong khi đó con số này của năm 2017 chỉ là 44 doanh nghiệp.
Thực tế, vải Việt Nam được người tiêu dùng nhiều nước đón nhận vì sự tươi ngon và khác lạ so với trái cây của nhiều nước ôn đới hoặc nhiệt đới khác. Tuy nhiên, sự không đồng đều về mẫu mã, chất lượng, thiếu nhận diện thương hiệu và bao bì đã khiến vải Việt khó tiếp cận các thị trường có giá trị cao hơn là Eu, Nhật hay Mỹ.
Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, cao điểm mùa vải có khá nhiều loại hoa quả khác của Việt Nam, mùa vải cả năm mới có một mùa, vải chỉ chín rộ khoảng 15 - 20 ngày, do đó khó có nhà máy chế biến nào tải nổi lượng vải tươi phát sinh cực lớn trong một thời điểm để làm ra các sản phẩm như nước ép, sấy khô.
Chính vì vậy, thời gian qua dù lượng vải sấy khô có giá bán cao hơn nhiều so với vải tươi song lượng xuất đi còn hạn chế do quy mô chế biến, việc thu mua, công nghệ bảo quản, sử dụng. Trước mắt, quả vải đặc sản của miền Bắc vẫn chủ yếu được xuất theo lô và xe hàng sang Trung Quốc để bán tươi hoặc qua các khâu trung gian của Trung Quốc trước khi đến tay người tiêu dùng nước này.
Nguyễn Tuyền