Fica
  1. Doanh nghiệp

  2. Tiêu Dùng

Trám đen giá rẻ chưa từng có, giới nội trợ mua cấp đông ăn dần

Hoàng Dung
Hoàng Dung

So với những năm trước, giá trám đen giảm 30.000 – 50.000 đồng/kg, chỉ còn 100.000 đồng/kg do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bán hàng tích cực cả tuần, chị Đặng Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mới bán được 30 kg trám đen. Bởi những năm trước, mỗi khi vào vụ trám, chị có thể bán ra thị trường 30 – 40 kg/ngày. Không những thế giá trám đen năm nay giảm khá sâu chỉ còn 100.000 đồng/kg.

“Hiện nay, dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi và diễn ra trong thời gian dài khiến kinh tế nhiều gia đình sụt giảm. Mọi người đều điều chỉnh chi tiêu, không mấy mặn mà với các loại đặc sản như trước và trám đen cũng không ngoại lệ”, chị nói.

So với những năm trước, giá trám đen giảm 30.000 – 50.000 đồng/kg, chỉ còn 100.000 đồng/kg.

Ngoài ra, theo chị còn một nguyên nhân nữa là do việc di chuyển, vận tải hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Cho nên, các thương lái cũng ít đến thu mua trám dẫn đến giá quả lao dốc.

“Ngoài bán lẻ, hàng tuần tôi sẽ mở đơn đăng ký cho khách mua, đủ 50 kg mới gọi cho đầu mối lấy hàng. Bởi hiện nay, chi phí vận chuyển đắt, lấy ít thì không có lãi mà bán với giá cao, khách lại không mua”, chị phân trần.

Là người buôn trám chuyên nghiệp, chị Thu Hằng (Hà Nội) cho biết, trám đen có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Mùa vụ sẽ bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch. Thông thường, trám đen có 2 loại là trám nếp và trám tẻ, trám nếp thì dẻo bùi còn trám tẻ thì giòn cứng.

“Lượng hàng tiêu thụ năm nay kém nên tôi chủ yếu là nhập trám đen về bán cho khách, vì mọi người thích loại này. Mọi năm, 1 kg trám loại ngon có thể lên tới 180.000 đồng nhưng giờ chỉ còn 120.000 đồng/kg”, chị thông tin.

Quả trám có nhiều công dụng, riêng phần thịt còn có thể chế biến được nhiều món ngon.

Chị Hằng cho biết, do chị là đầu mối lớn nên hàng năm phải thu mua, bao thầu cả vườn để đảm bảo số lượng. Tuy nhiên, với số lượng hàng bán ra thấp như hiện tại, ngày nào với chị cũng như ngồi trên đống lửa.

“Từ khi thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại ở trong nội thành còn khó khăn, chứ chưa nói là đi sang tỉnh khác nên tôi gặp vấn đề rất lớn trong khâu lưu thông. Hơn nữa, giá cước xe thì cao nên tôi thường gom hàng gửi cho khách theo đợt, không gửi hàng ngày như trước nữa” chị kể.

Còn đối với khách lẻ, chị Hằng thường khuyến khích mọi người mua chung để giảm chi phí vận chuyển.

Trám được tách hạt, cấp đông.

Chị Nguyễn Oanh (Trần Thái Tông, Hà Nội) cho biết, giá trám đang thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Cho nên, lần này, chị mua liền một lúc 5 kg quả về ăn dần, chị chia ra làm 3 phần, 1 phần tách bỏ hạt rồi cấp động, 1 phần mang đi chế biến, 1 phần để ngăn mát ăn trong ngày.

Theo chị, trám có nhiều công dụng, riêng phần thịt còn có thể chế biến được nhiều món ngon như xôi trám, gỏi trám, trám kho cá, trám nấu canh gà nên được khách ưa chuộng. Đặc biệt, món trám ngâm còn có thể ăn quanh năm.

“Tôi có tìm hiểu trên mạng thì thấy, quả trám có thể dùng trị các bệnh về hầu họng sưng đau, ho nhiều đờm, viêm ruột. Quả xanh có tác dụng giải độc. Quả chín có tác dụng an thần, trị động kinh”, chị nói.

An Chi