Đầu tư vài tỷ đồng mở một xưởng làm khẩu trang, nhưng anh N.H. (Hải Dương) thường xuyên phải gọi thợ sửa máy. Theo anh H, dù máy móc anh mua đều là hàng mới, nhưng vào cao điểm làm hàng, máy phải hoạt động 24/24 nên thường xuyên hỏng hóc.
Đợt dịch lần 1, mỗi máy hỏng anh H phải bỏ ra 100 triệu đồng để sửa. Mức giá tưởng chừng như trên trời này lại là niềm hạnh phúc của anh H.
Thợ sửa máy khẩu trang có thu nhập cực "khủng" mùa dịch.
Vì theo chủ xưởng này, nhiều nơi thuê 100 triệu đồng sửa 1 máy họ còn không nhận. Giá thị trường thậm chí lên tới 200 - 300 triệu đồng. Nếu không có tiền mặt, chủ xưởng phải bán cho thợ sửa mấy chục thùng khẩu trang với giá bình ổn, để họ sang tay kiếm lời.
“Có những hôm, máy hỏng liên tục số tiền sửa không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng nặng nhất trong các lỗi vẫn là hỏng máy hàn siêu âm. Đây là phần hàn nhiệt của khẩu trang”, anh H cho hay.
Sau một thời gian tốn kém, nhiều xưởng đã phải thuê thợ cứng lâu dài, hoặc cho người đi học cách sửa để tiết kiệm chi phí.
Hiện tại, các hỏng hóc nhỏ đa phần thợ của xưởng đều có thể tự sửa chữa. Còn với các lỗi nặng, chi phí sửa chỉ khoảng 10 - 20 triệu đồng.
Lắp máy hay bảo dưỡng cũng có chi phí rất cao.
Không chỉ sửa máy, thợ lắp máy làm khẩu trang hoặc đi bảo dưỡng máy cũng có thu nhập rất “khủng”. Trung bình, để lắp một dàn máy thì chi phí có thể lên tới 200 triệu đồng. Còn với thợ bảo dưỡng, thu nhập cao nhất mỗi lần đi làm có thể lên tới 80 triệu đồng. Tuy nhiên hiện nay, khi khẩu trang ế ẩm thì nhân công bảo dưỡng chỉ còn được trả khoảng 5 - 10 triệu đồng.
"Thời điểm đợt dịch đầu tiên, nhiều thợ sửa chữa, bảo dưỡng dây chuyền sản xuất khẩu trang kiếm bộn. Có những cậu bé mới học lớp 9, lớp 10 nhưng lại biết kỹ thuật, sửa chữa được máy cũng tranh thủ đi làm, có đứa kiếm được tiền tỷ, mua nhà, mua xe...Như ở Công ty của tôi, cũng có lúc máy móc hỏng phải thuê, trả 100-200 triệu đồng/thợ cho một lần thuê", ông Hưng-Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất khẩu trang tại Vĩnh Phúc cho biết.
Các công việc liên quan tới mặt hàng khẩu trang thu lời rất lớn trong mùa dịch vừa qua. Tuy nhiên, khi thị trường đã bão hoà, nhiều xưởng còn đang đứng trước tình cảnh vỡ nợ. Do lượng hàng tồn kho quá lớn, trong khi giá khẩu trang đang chỉ còn 1,5 - 1,8 triệu đồng/thùng.
Thế Hưng