Fica
  1. Doanh nghiệp

Thị trường nội địa: “Bệ đỡ” giúp doanh nghiệp trụ vững trong đại dịch

Thế Hưng
Thế Hưng

Hàng Việt hiện chiếm tỷ lệ cao tại các cơ sở phân phối của doanh nghiệp (DN) trong nước với 90% và chiếm 60% -96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam. Có thể thấy, thị trường trong nước với số dân gần 100 triệu chính là động lực để cộng đồng DN trụ vững trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh hiện nay.

Các DN chú trọng khai thác thị trường nội địa

Dịch Covid-1 diễn biến phức tạp đã có những tác động tiêu cực, gây khó khăn đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của cộng đồng DN. Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng mạnh đến tiêu thụ hàng hóa của nhiều địa phương. Việc các đơn hàng giảm mạnh ở nhiều DN xuất khẩu là minh chứng rõ rệt cho thực tế này. Đơn cử như ngành may mặc, da giày, số lượng đơn hàng giảm vì kết nối thương mại bị đứt gãy khiến cho doanh thu giảm, nhiều DN may phải tạm ngưng hoạt động vì dịch khiến đời sống người lao động các ngành này gặp khó khăn.

Trong bối cảnh đó, thị trường trong nước với quy mô gần 100 triệu dân chính là cơ hội, là đòn bẩy để DN trong nước trụ vững, vượt khó khăn, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”.

Theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm đứt gãy gãy các giao dịch thương mại, một thời gian dài không có hợp đồng với các đối tác nước ngoài thực sự là khó khăn cho May 10. Khó khăn bao trùm, tuy nhiên, trong thời gian hơn một năm dịch bệnh hoành hành, May 10 vẫn dành 80% năng lực sản xuất cho thị trường xuất khẩu và 20% cho thị trường nội địa. “Thời gian qua, May 10 vẫn hướng đến thị trường trong nước và luôn coi thị trường trong nước là động lực để trụ vững” – ông Thân Đức Việt nhấn mạnh.

 

Tương tự, nhiều DN ngành may mặc cũng chú trọng, phát triển các sản phẩm hướng đến thị hiếu của người tiêu dùng trong nước. Theo chia sẻ của các DN, nhu cầu tiêu dùng của người dân Việt Nam vẫn rất lớn, tuy dịch bệnh làm hạn chế mua sắm qua kênh truyền thống song người tiêu dùng trong nước vẫn chịu bỏ tiền ra mua quần áo, thời trang trên các kênh thương mại điện tử. Chính bởi vậy, các thương hiệu thời trang Việt như Ivy, Elise,... cũng đã chuyển mạnh sang kênh điện tử khai thác tốt thị trường nội địa.

Không chỉ ngành may mặc, nhiều ngành khác cũng tập trung khai thác tốt thị trường nội địa. Trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4, công tác tiêu thụ nông sản đã chứng tỏ rất rõ thế mạnh của thị trường trong nước. Theo đó, năng lực tiêu thụ nội địa thông qua các chợ truyền thống, siêu thị trên phạm vi toàn quốc được triển khai một cách mạnh mẽ giúp nhiều mặt hàng nông sản của các địa phương được tiêu thụ kịp thời, không chỉ tiêu thụ tốt về sản lượng mà giá các mặt hàng nông sản cũng cao hơn so với các vụ mùa trước đó, giúp cho nông sản Việt thoát khỏi cảnh tùn ứ, ế thừa, buộc phải hô hào giải cứu.

Vụ vải thiều mới đây được các chuyên gia kinh tế đánh giá là “thắng lợi kép” khi người trồng vải thiều các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang... năm nay được cả mùa lẫn giá. Năm nay, một sản lượng lớn vải thiều đã được xuất khẩu đến thị trường châu Âu, Nhật Bản, châu Úc, cùng với đó, nhiều tấn vải thiều đã được đưa lên sàn thương mại điện tử để đến với thị trường hơn 90 triệu dân. Nói về những thành quả đã đạt được từ vụ vải thiều năm nay, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, hơn 60% tổng sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm nay được tiêu thụ trong nước, phân phối khắp các địa phương trên cả nước là cơ sở để Bắc Giang tính toán, nhìn nhận lại thị trường trong nước đầy tiềm năng. “Xuất khẩu vẫn là hướng quan trọng, song việc tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa sẽ là bước đệm cho xuất khẩu, để trái vải không chịu nhiều sức ép bị phụ thuộc vào thị trường nước ngoài” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Động lực để các DN vững vàng trong dịch

Mới đây nhất, ngày 15/7 vừa qua, sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên cũng đã được Bộ Công thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để trái nhãn của bà con nông dân Hưng Yên có thể được tiêu thụ tới thị trường trong nước cũng như nhiều thị trường trên thế giới. Với những động thái của nhà quản lý, chắc chắn cũng giống như sản phẩm vải thiều của bà con nông dân tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, quả nhãn của bà con nông dân Hưng Yên cũng sẽ được tiêu thụ tốt, giải quyết những mối lo về tìm đầu ra cho nông sản của người nông dân.

Khẳng định thị trường trong nước chính là bệ đỡ cho các DN, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các biện pháp giãn cách xã hội khiến cho giao thương bị đình trệ, trong tình hình đó, thị trường trong nước chính là động lực phục hồi  của các DN sản xuất và ngành phân phối.

Đáng chú ý, thị trường phía Nam đang là tâm điểm của dịch bệnh, việc giãn cách xã hội tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành gặp khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa.Tại một số chợ, việc cung cấp hàng hóa khó khăn hơn bình thường nên chi phí bán hàng tăng dẫn đến tình trạng tăng giá một số mặt hàng lương thực thực phẩm. Theo ông Đông, để duy trì và bảo đảm các kênh cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân thời gian dịch hoành hành, việc kết nối giữa các DN phân phối tạo sự lưu thông đảm bảo hàng hóa đủ cho người tiêu dùng đã được các DN nỗ lực thực hiện, từ đó giảm thiểu nguy cơ thiếu hàng, sốt giá.

Có thể khẳng định, trong mọi hoàn cảnh, thị trường nội địa với niềm tin của người tiêu dùng trong nước dành cho hàng Việt thời gian qua chính là động lực quan trọng để giúp các DN Việt vững vàng vượt các đợt dịch vừa qua. Chính bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, trong bất kỳ tình huống nào, giữ thị trường nội địa, tạo niềm tin bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm chính là nhân tố quan trọng để các DN có thể trụ vững, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thế Hưng