Fica
  1. Doanh nghiệp

Sau Covid, trên 30% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư công nghệ số

Thế Hưng
Thế Hưng

Ngày 15/4 tại Hà Nội, các chuyên gia và doanh nghiệp đã trao đổi những cơ hội và giải pháp cho doanh nghiệp chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong diễn đàn “Kinh tế số và Thương mại điện tử” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức.

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho hay, chỉ trong 3 năm gần đây, đa số doanh nghiệp đã tin là cần chuyển đổi số và phải làm để có thể thành công. Trong thời gian Covid-19, khảo sát của Tổng cục Thống kê với 152.000 doanh nghiệp, trên 30% doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư công nghệ và đặc biệt là công nghệ số, chuyển đổi cách thức vận hành, sản xuất kinh doanh ở mức độ khác nhau.

“Chuyển đổi số doanh nghiệp là tổng hòa của 5 trụ cột, bao gồm: Văn hóa và chiến lược kinh doanh số, gắn kết và tối ưu trải nghiệm khách hàng, tối ưu quy trình, công nghệ hóa, phân tích và quản lý dữ liệu” – TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, theo TS Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), khảo sát cho thấy, nhận thức của doanh nghiệp về công nghệ số thời gian qua rất tốt, hơn 50% doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ số trước khi có Covid-19; hơn 25% doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi có Covid-19 và có ý định tiếp tục sử dụng công nghệ số.

Bên cạnh đó, kỳ vọng của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số cũng rất lớn, đặc biệt là những kỳ vọng liên quan đến giảm chi phí (hơn 71% doanh nghiệp), giảm giấy tờ (hơn 61%), quản trị kinh doanh hiệu quả và nâng cao chất lượng sản phẩm (trên 50% doanh nghiệp)...

Tuy nhiên, ông Lương Minh Huân thẳng thắn, các doanh nghiệp cũng cho rằng, chi phí ứng dụng công nghệ số vẫn còn cao, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp và đặc biệt là thiếu thông tin công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng... đang là những rào cản lớn nhất hiện nay. 

Mặc dù là lĩnh vực công nghệ nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc nhiều vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, thể chế kinh tế quốc gia, của doanh nghiệp. Để thành công, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

GS.TSKH Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu cao cấp về toán) cho rằng, ở các cuộc cách mạng công nghiệp trước, Việt Nam đã đứng ngoài cơ hội để vươn lên. Nhưng cách mạng công nghiệp lần thứ tư này đang mở ra cơ hội cho các quốc gia không có truyền thống công nghiệp, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều có thể thực hiện được. “Cơ hội cuối cùng này nhiều chục năm mới có một lần. Nếu ta không thể nhanh chóng chuyển đổi, ứng dụng công nghệ để tiến lên thì sẽ tiếp tục bị tụt hậu" - GS.TSKH Hồ Tú Bảo cho hay.