Doanh thu, lợi nhuận rủ nhau sụt giảm tới cả nửa
Trong 3 tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch lên các doanh nghiệp bia rượu đã thể hiện một cách rõ nét khi đến “ông lớn” ngành bia Sabeco - Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (SAB) thấm cảnh doanh thu lợi nhuận rủ nhau sụt giảm mạnh.
Quý 1 này, doanh thu thuần hợp nhất đạt được chỉ bằng một nửa quý 1 năm ngoái, đạt 4.908 tỷ đồng. Lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết cũng chỉ đạt 40,9 tỷ, giảm tới 45%.
Sabeco cho biết đây là kết quả của ảnh hưởng không mong đợi từ đại dịch và công ty cũng đã thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí.
Tuy nhiên, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 18% và 15% thì SAB vẫn đành chấp nhận việc chi phí lãi vay tăng mạnh gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái.
Do vậy, lợi nhuận sau thuế kỳ này của Sabeco chỉ đạt 716,9 tỷ đồng, sụt giảm tới 44%.
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi 5 tỷ USD thông qua pháp nhân Vietnam Beverage để mua lại 53,6% cổ phần của Sabeco trong đợt thoái vốn của Bộ Công Thương cuối năm 2017.
Đáng nói, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của công ty âm tới 1.669 tỷ đồng cho thấy quy mô vốn bằng tiền của doanh nghiệp đang bị sụt giảm mạnh.
Bảng cân đối kế toán cho thấy, trong 3 tháng, lượng tiền và các khoản tương đương tiền của Sabeco đã giảm từ 4.115 tỷ đồng xuống còn 2.447 tỷ, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng giảm hơn 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phải thu tăng 13%, hàng tồn kho tăng thêm 15% lên 2.256 tỷ đồng.
Đối mặt với những vấn đề chưa từng có tiền lệ, dính tin đồn bán cho Trung Quốc
Trong báo cáo thường niên, Ban lãnh đạo Sabeco cho rằng, ngành bia Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hai vấn đề chưa từng có tiền lệ. Đó là Nghị định 100 và đại dịch Covid-19.
Việc sụt giảm trong kết quả kinh doanh sẽ còn tiếp diễn trong quý 2 do ảnh hưởng trực tiếp từ cách ly xã hội. Ngoài ra lãnh đạo Sabeco cho biết Nghị định 100 khiến kênh tiêu thụ tại các hàng quán đã bị sụt giảm nặng nề.
Sabeco cho rằng họ đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thay đổi chủ trương, chính sách của nhà nước trong quá trình vận hành.
Thêm vào đó, Sabeco cũng cho biết họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi có thông tin sai sự thật Sabeco là Công ty của Trung Quốc vì đã được bán cho Trung Quốc hoặc sản phẩm bia Saigon nhãn mác mới là của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của công ty. Chính vì điều này, theo Sabeco đã làm sản phẩm tiêu thụ của công ty cuối năm 2019 ảnh hưởng nặng nề.
Về cạnh tranh, Sabeco cũng cho biết một trong những thách thức lớn nhất liên quan đến thị trường chính là sự cạnh tranh của các hãng bia, rượu nước ngoài có thương hiệu với tiềm lực tài chính mạnh và dày dặn kinh nghiệm. Các công ty này đang tiếp tục đầu tư mạnh vào các hoạt động tiếp thị và bán hàng nhằm gia tăng thị phần. Phân khúc bia phổ thông vốn là thế mạnh của Sabeco hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các đối thủ thuộc phân khúc bia cao cấp.
Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng hiện nay có nhiều thay đổi, điển hình là các sản phẩm bia cao cấp đang được ưa chuộng hơn do thu nhập bình quân của người dân tăng trong những năm qua, trong khi đó Sabeco vẫn còn thiếu các sản phẩm cạnh tranh tại phân khúc này.
Giới trẻ với thu nhập cao có xu hướng sử dụng các sản phẩm bia thương hiệu quốc tế và người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, do đó họ có xu hướng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm nước uống không cồn có lợi cho sức khỏe. Những điều này có thể dẫn đến sự thay đổi về tương quan cạnh tranh trong thị trường bia.
Ban lãnh đạo của Sabeco cũng dự kiến rằng tình hình sẽ tiếp tục trở nên khó khăn hơn trước khi có thể bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm 2020.
Nguyễn Mạnh