Vụ cháy tại Bóng đèn Rạng Đông gây thiệt hại lớn về tài sản.
Chiều ngày 30/8, Công ty cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông có thông cáo cho biết, trong vụ cháy vừa qua, số lượng sản phẩm có thể ảnh hưởng tới môi trường ước tính hư hỏng như sau: 480.000 bóng đèn huỳnh quang; 2 triệu đèn tròn công suất thấp; 1,6 triệu bóng đèn HQ Compact.
Trong thông cáo, Rạng Đông khẳng định, công ty đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam (một loại chất thường được sử dụng để hàn, có chứa dung dịch thủy ngân-PV) thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016. Ngoài ra, công ty cũng cho biết, các vật tư - nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn đều an toàn với sức khỏe con người kể cả khi cháy.
“Ngay từ ngày 29/8, tất cả cán bộ nhân viên tham gia chữa cháy ngày 28/8 đã đến công ty thu dọn và chuẩn bị cho sản xuất. Hôm nay ngày 30/8, các xưởng sản xuất của công ty đã bắt đầu trở lại sản xuất bình thường”, thông cáo nêu.
Phía Rạng Đông cũng cho biết, công ty cam kết ngay sau khi các cơ quan điều tra xong vụ việc này, sẽ mời các cơ quan chuyên môn đánh giá tác động môi trường và thuê xử lý môi trường, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ công nhân viên và người dân sống xung quanh công ty.
Trước đó, sau sự cố cháy tại Công ty Rạng Đông, cơ quan chức năng, báo chí đã đưa ra nhiều thông tin cảnh báo về nguồn nước và môi trường bị ảnh hưởng bởi khí độc. Cũng trong chiều tối nay, UBND quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) thông tin về việc vụ cháy và vấn đề môi trường sau cháy tại kho chứa hàng thuộc Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông tính đến 16h30 phút ngày 30/8.
Về kết quả quan trắc, UBND quận Thanh Xuân cho biết, sáng ngày 30/8, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã thực hiện lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường xung quanh khu vực nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông để xem có hay không yếu tố độc hại.
Theo thông tin ban đầu của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế (đơn vị đầu ngành về lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp và môi trường) các chỉ số như: thủy ngân, chì, kim loại nặng được đo bằng máy test nhanh, kết quả cho thấy các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép, an toàn đối với người dân.
Nhằm đảm bảo độ chính xác cao nhất, các mẫu đất, nước, không khí tại nơi xảy ra cháy sẽ tiếp tục được đưa về phòng thí nghiệm của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường để phân tích, xét nghiệm lần cuối cùng. Kết quả sẽ được thông báo về Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân.
Phương Dung