Tập đoàn Stark Thái Lan vừa hoàn tất việc mua lại hai công ty sản xuất cáp của Việt Nam là Công ty CP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cable) và Công ty CP Kim loại màu & nhựa Đồng Việt (Dovina) với tổng giá trị là 240 triệu USD (hơn 5,6 nghìn tỷ đồng).
Một công nhân tại nhà máy Thịnh Phát tiến hành kiểm tra tại nhà máy của công ty. Thịnh Phát được thành lập năm 1987 tại TP Hồ Chí Minh và là nhà sản xuất dây và cáp điện lớn thứ hai tại Việt Nam
Giao dịch được thực hiện bởi công ty con của Stark Corporation là công ty Phelps Dodge International (Thailand) Co Ltd, nhà sản xuất dây dẫn và cáp hàng đầu Thái Lan.
Thông qua thỏa thuận, Stark đặt mục tiêu tăng năng suất và năng lực sản xuất cáp, cũng như mở rộng kinh doanh để trở thành nhà sản xuất cáp điện hàng đầu trong khu vực.
Stark Corporation cho biết: “Lĩnh vực kinh doanh tổng thể và mục tiêu của các công ty trên là giống nhau và chúng sẽ bổ sung hỗ trợ cho việc kinh doanh cốt lõi của tập đoàn cũng như tăng cường lợi thế cạnh tranh cho Phelps Dodge trên thị trường quốc tế”.
Theo Mergermarket, thương vụ trên là đại diện cho giao dịch công nghiệp khu vực tư nhân lớn nhất tại Việt Nam trong ba năm qua, phản ánh sự hấp dẫn của thị trường nội địa Việt Nam và vị thế cạnh tranh mạnh mẽ của Việt Nam trong ASEAN.
Tập đoàn Stark cho biết họ sẽ tổ chức các cuộc họp trực tuyến để hoàn thiện quy trình mua lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Công ty CP Cáp điện Thịnh Phát (ThiPha) được thành lập năm 1987 tại TP.HCM và là nhà sản xuất dây và cáp điện lớn thứ hai tại Việt Nam.
Vào cuối năm 2009, các cổ đông của Thịnh Phát, đã thành lập ra Công ty CP Kim loại màu & nhựa Đồng Việt (Dovina) để nhập khẩu và gia công đồng và nhôm để sản xuất dây và cáp điện. Dovina bán đồng và nhôm chế biến cho ThiPha và các doanh nghiệp khác ở Việt Nam và nước ngoài.
Cả hai công ty trên đều nằm trong số 100 công ty tư nhân lớn nhất tại Việt Nam.
Đến cuối tháng 9/2019, tổng tài sản của Thipha và Dovina đã đạt 4,7 nghìn tỷ đồng (201 triệu USD). Tổng doanh thu và lợi nhuận ròng cũng lần lượt đạt 7,1 nghìn tỷ đồng và 3,44 tỷ đồng.
Các dự án lớn mà ThiPha thi công bao gồm Tòa nhà Park Hill tại Hà Nội, E-Home 3, 4, 5 tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Diamond Bay Resort 2 ở tỉnh Khánh Hòa và sân bay Phú Quốc ở Kiên Tỉnh Giang.
ThiPha cũng cung cấp sản phẩm cho các dự án ở thị trường nước ngoài như Tháp Vatanac ở Campuchia, Hong Kong Land ở Campuchia và nhà máy Coca Cola ở Myanmar. – VNS
Bên cạnh thương vụ M&A đình đám trên còn có thêm những thỏa thuận M&A đáng chú ý tại Việt Nam.
Tuần này, công ty xi măng lớn nhất tại Thái Lan - Siam Cement đã tuyên bố sẽ mua lại Công ty CP Bao bì Biên Hòa có trụ sở tại TP.HCM.
Còn vào đầu năm nay, SK Lubricants - một trong những công ty sản xuất dầu gốc và dầu nhớt hàng đầu thế giới, trực thuộc SK Group – tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc đã mua 49% cổ phần của Công ty hóa dầu Mekong với giá 42,1 triệu USD.
Trong khi đó, một nỗ lực M&A khác tại Việt Nam đã sụp đổ hoàn toàn khi Aboitiz Power chấm dứt kế hoạch mua lại nhà máy tuabin gió Mekong Wind, ngay cả khi gã khổng lồ điện của Philippines đã có ý định tiếp quản công ty này với giá khoảng 46 triệu USD.
Thùy Dung
Theo Dealstreetasia