Theo khảo sát của PV, hiện rất nhiều cửa hàng trên phố Huế, Bà Triệu, Phạm Ngọc Thạch,…đang có những chương trình giảm giá khá sốc như kiểu mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1, giảm giá 50 - 70%.
Chị Đào Hải Vân (Đội Cấn, Hà Nội) thường xuyên đi mua quần áo cũng cảm thấy khá bất ngờ vì quần áo đang được giảm giá nhiều như thế. Chị Vân chia sẻ: “Mới đầu mùa lạnh mà các cửa hàng đã đồng loạt giảm giá khá sốc. Nhiều loại quần áo nhãn mác mới tinh mà chỉ vài chục nghìn đồng một cái.”
Đang là đầu mùa giảm giá để xả hàng năm ngoái
“Nhìn mẫu mã thì có thể đoán là từ mùa đông năm ngoái còn dư. Tuy nhiên, khi mua những hàng như này thì nhân viên sẽ không cho khách đổi trả, kể cả là lỗi có sẵn của sản phẩm”, chị Vân cho biết thêm.
Để tìm hiểu rõ hơn về mặt hàng này, PV đã tìm gặp anh Lương Việt Dũng (Khương Thượng, Hà Nội). Anh Dũng đã có vài năm buôn bán quần áo, từ xưởng may cho tới những shop buôn quần áo nhập anh cũng đã từng làm qua.
Anh Dũng cho biết: “Lý do một số cửa hàng quần áo giảm giá mạnh ngay từ đầu mùa như vậy là do hàng vẫn còn tồn từ năm ngoái. Ngoài ra, các cửa hàng này cũng chuyên đi săn hàng tồn của các cửa hàng khác về để bán. Hàng tồn đó mua lại chỉ 20.000 - 30.000 đồng/cái, nhưng năm ngoái đều có giá vài trăm nghìn đồng.”
“Quần áo nữ thì nhiều vô kể, số lượng, chất lượng cũng đủ loại. Vì thế, nhiều cửa hàng siêu rẻ còn nhập quần áo cũ từ Trung Quốc theo cân về để bán. Hàng cũ được các mối buôn đổ về xếp thành núi như đống rác. Các con buôn sẽ đến mua theo bao mang về phân loại”, anh Dũng nói.
Mua 1 tặng 1 bằng hoặc thấp hơn giá sản phẩm đã mua
Những loại hàng như vậy theo anh Dũng rất dễ dàng nhập nhèm vào bán được như hàng mới giá rẻ. Bởi khi các con buôn mang hàng thùng về phân loại, hàng còn đẹp mới thì sẽ có các shop quần áo tới mua hết. “Họ giặt là phẳng phiu, đóng mác vào là lại treo lên bán như hàng mới. Khách hỏi size thì bảo đã bán hết, chỉ còn 1 chiếc duy nhất”, anh Dũng cho biết thêm.
Chuyên gia công sơ mi cho các shop thương hiệu ở Hà Nội, anh V.N.M. (Long Biên, Hà Nội) hiểu rất rõ về đợt giảm giá đầu mùa rét của nhiều shop quần áo hiện nay.
Anh M. cho biết: “Hàng tồn từ mùa đông năm trước xả ra dĩ nhiên rất rẻ, các hãng lớn cũng đều làm như vậy. Thế nhưng, một số nơi còn một loại hàng nữa là hàng sản xuất lỗi.”
“Ví dụ 1 cái áo gió, các hãng thời trang thường phải đặt hàng bắt đầu sản xuất từ tháng 3, với mục đích đón đầu và dẫn dắt thị trường theo xu hướng. Nhưng bên cạnh đó, các hãng cũng muốn xả đi vải tồn cho loạt hàng đầu mùa để thoát vốn”, anh M. chia sẻ.
Giảm giá 1 nửa nhiều mặt hàng
Vì là vải tồn, nên theo anh M. : “Những loại vải này thường là vải hỏng, giặt 1 - 2 lần là nát. Vải để lâu bị ẩm mốc nhưng vẫn được sản xuất theo mốt mới nên bán vẫn tốt. Bán kiểu này vừa nhanh đẩy được hàng đi, lại vừa có lãi.”
“Vì hàng thì đã có sẵn trong kho, ảnh đã chụp rồi, có bán rẻ thì trừ đi hết chi phí vẫn gấp 1,5 lần chi phí sản xuất. Nếu bán đúng mùa thì giá quần áo sẽ gấp 3 - 4 lần chi phí sản xuất. Hàng sơ mi gấp 2 - 2,5 lần chi phí sản xuất”, anh M. nói.
Còn riêng với loại áo khoác nặng thì giá bán có thể gấp tới 4 lần chi phí sản xuất. Tuy nhiên, hàng này buộc các nhà bán lẻ phải bán giá cao để bù đắp vào rủi ro. Vì 10 cái áo khoác nặng chỉ cần tồn 2 cái cũng đã có thể hoà hoặc âm vốn.
Sức mua quần áo của người dân mùa lạnh rất mạnh
Thời điểm sau tết cũng là lúc các cửa hàng chạy chương trình giảm giá cực mạnh để xả hàng. Nhưng còn lại thường là các size lớn, hoặc hàng may lỗi.
Vì thế, thời điểm mua quần áo hợp lý nhất trong năm theo anh M. là khoảng tháng 12. Lúc này, quần áo vừa có hàng mới, vải mới, size, màu, mẫu mã đều có đủ. Nếu có lỗi thì cũng sẽ được đổi trả chứ không phải ngậm ngùi mặc như hàng giảm giá.
Thế Hưng