Fica
  1. Doanh nghiệp

Lợi nhuận quý IV năm 2022 của các công ty thủy sản dự báo sẽ giảm

Ninh An
Ninh An

Với nhu cầu giảm, giá bán bình quân và chi phí thức ăn thủy sản chưa được điều chỉnh (tăng 33% so với đầu năm), dự báo các công ty thủy sản sẽ ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý IV năm 2022

Trong năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đã có một năm phục hồi và tăng trưởng vượt bậc, mặc dù có nhiều biến động giữa nửa đầu và nửa cuối năm. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD (tăng 28% so với cùng kỳ) trong 11 tháng đầu năm 2022, trong đó xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 4 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ) và 2,3 tỷ USD (tăng 64% so với cùng kỳ) chủ yếu do đạt mức tăng trưởng ấn tượng 38% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022. Đây là mức cao kỷ lục, so với mức tăng trưởng kép (CAGR) xuất khẩu thủy sản là 4% trong giai đoạn 2011-2021.

Trong nửa đầu năm, cả xuất khẩu tôm và cá tra đều tăng trưởng nhờ nhu cầu cao và giá tăng (giả bán bình quân tôm và cá tra sang thị trường Mỹ lần lượt tăng 11% và 55% so với cùng kỳ). Trong nửa cuối năm, lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, trong khi hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Do đó, khối lượng xuất khẩu nhanh chóng giảm tốc trong nửa cuối năm 2022. Trong bối cảnh khó khăn đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức như biến động tiền tệ, đặc biệt là những khoản nợ phải trả bằng USD và áp lực cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp đối thủ, đặc biệt là các nhà xuất khẩu tôm. Với những sản phẩm thay thế có mức giá hợp lý hơn, người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu trước áp lực lạm phát, và xuất khẩu cá tra duy trì đà tăng trưởng tốt hơn xuất khẩu tôm.

Tháng 11 năm 2022, xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt giảm 18% và 23% so với cùng kỳ (Ảnh: SSI)

Trong tháng 11 năm 2022, xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt giảm 18% và 23% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu sang Mỹ giảm lần lượt 55% và 11% so với cùng kỳ. Giá bán bình quân của tôm và cá tra sang thị trường Mỹ hiện đã giảm lần lượt 11% và 32% so với mức đỉnh. Lũy kế trong 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm và cá tra sang Mỹ lần lượt giảm 21% và tăng 61% so với cùng kỳ, cho thấy người tiêu dùng có xu hướng giảm giao dịch trong thời kỳ bất ổn.

Các công ty thủy sản niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh khả quan trong suốt 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù tốc độ tăng trưởng hàng quý đang giảm dần. Hầu hết các công ty đều được hưởng lợi từ sự giảm giá của VND so với USD với doanh thu được ghi nhận bằng USD. Chỉ những công ty có khoản nợ bằng USD mới trải ghi nhận các khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện, nhưng dư nợ bằng USD của những công ty này tương đối thấp.

Với nhu cầu giảm, giá bán bình quân và chi phí thức ăn thủy sản chưa được điều chỉnh (tăng 33% so với đầu năm), công ty chứng khoán SSI dự báo các công ty sẽ ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý IV năm 2022.

Về mặt định giá, trong 10 năm qua, các cổ phiếu trong ngành thủy sản được giao dịch ở mức trailing P/E trung bình là 8 lần. Năm nay, định giá toàn bộ ngành đã bị giảm từ 15 lần vào đầu năm xuống 5 lần do tăng trưởng thu nhập yếu và triển vọng năm 2023 kém khả quan. Mức định giá thấp nhất trong lịch sử của ngành là 4 lần trong giai đoạn 2010-2011 và năm 2018, SSI cho rằng cổ phiếu có thể giảm giá hơn nữa trong thời gian tới khi các công ty có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm cho đến năm 2023.

Ninh An