Adam Brotman (Ảnh: CNBC).
Từ khi còn là thiếu niên, nhờ có người chú là đồng sáng lập chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ hộp, Adam Brotman - cựu Giám đốc điều hành Starbucks - đã được tham gia vào những công việc kinh doanh đầu tiên: Quản lý và xếp các xe đẩy hàng vào đúng chỗ ở Seattles. Sau này khi đã giữ các vị trí lãnh đạo tại Starbucks và J.Crew, ông cho rằng công việc đó đã khơi dậy ước mơ kinh doanh trong ông.
Người đàn ông 52 tuổi chia sẻ với CNBC: "Ngay cả khi đang đẩy xe dưới trời mưa, việc nhìn chú tôi và bạn ông xây dựng công ty đã cho tôi nhiều bài học, để sau này tôi có thể nhìn nhận rộng hơn thế nào là thành công".
Người đàn ông gốc Seattle ban đầu là một luật sư nhưng đã bỏ nghề ở tuổi 27 để thành lập công ty dịch vụ giải trí tại cửa hàng PlayNetwork. Sau nhiều lần làm việc tại các công ty khác, Brotman gia nhập Starbucks vào năm 2009.
Ở đây ông đã dành gần một thập kỷ với tư cách là Giám đốc kỹ thuật số của Starbucks và EVP của các hoạt động bán lẻ toàn cầu để xây dựng chương trình phần thưởng và các nền tảng kỹ thuật số.
Từ bỏ chức CEO Starbucks...
Ứng dụng Starbucks được coi là tiêu chuẩn vàng cho nhượng quyền thương mại. Tính đến tháng 4, giao dịch di động chiếm hơn 25% tổng số đơn đặt hàng của Starbucks tại Mỹ. Nhưng Adam Brotman không cho rằng chỉ ra mắt ứng dụng là đủ. "Ứng dụng không thành công trong một sớm một chiều. Chúng tôi đã liên tục cải tiến và thay đổi mọi thứ dựa trên phản hồi của khách hàng", ông nói.
Theo Brotman, xây dựng tính năng đặt hàng trên thiết bị di động là phần "phức tạp nhất" của việc tạo ứng dụng và có sự tham gia của nhiều nhóm lớn bao gồm tiếp thị, chiến lược thanh toán và hoạt động. Quá trình đó đã dạy cho Brotman tầm quan trọng của việc hướng mọi người tới một mục tiêu chung, làm sao để quá trình làm việc diễn ra suôn sẻ và tính sáng tạo khi giải quyết vấn đề.
Mọi người nghĩ Brotman sẽ xây dựng sự nghiệp thành công tại Starbucks, bằng cách tiếp tục làm giám đốc điều hành hoặc theo đuổi một công việc tương tự tại một công ty nằm trong danh sách Fortune 500 khác. Nhưng không, ông rời Starbucks vào năm 2018 để gia nhập J.Crew, nơi Adam Brotman giữ chức chủ tịch và đồng giám đốc điều hành. Sự thay đổi này không tới từ niềm đam mê giành cho thời trang hay gì khác, nó tới từ tình yêu với New York - nơi đặt trụ sở công ty.
"Vợ tôi và tôi luôn muốn sống ở New York - trung tâm của thế giới", ông nói và cho rằng: "Đã đến lúc tôi phải căng mình hơn một chút bằng cách đặt mình vào một tình huống mới, đầy thử thách và khó khắn. Tôi hào hứng áp dụng một số bài học tôi học được tại Starbucks cho một thương hiệu Mỹ mang tính biểu tượng khác".
Brotman chỉ ở lại J.Crew một năm. Trong khoảng thời gian này ông giành để khởi động chương trình khách hàng thân thiết của thương hiệu với hy vọng tái tạo một số đổi mới kỹ thuật số mà ông từng làm cho Starbucks: Cá nhân hóa hoạt động tiếp thị và trải nghiệm người dùng, từ đó củng cố mối quan hệ với khách hàng. Nhưng bài học tới từ Starbucks không được công ty ưu tiên và coi trọng.
Vấn đề đổi mới còn liên quan tới văn hóa doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng khi đổi mới đường lối quảng cáo để tiếp cận xu hướng quá mới mẻ, đòi hỏi sự hiểu biết kỹ thuật sâu sắc.
... để dẫn dắt một công ty khởi nghiệp nhỏ
Sau đó, do nhớ nhà ở Seattle và muốn kinh doanh trở lại, Brotman chuyển trở lại Washington. Tại đó, CEO Kevin Johnson của Starbucks đã giới thiệu ông với Jon Shulkin - Chủ tịch của Eatsa - một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh hoàn toàn tự động ở California. Brotman chia sẻ ý tưởng muốn biến công ty khởi nghiệp đang gặp khó khăn thành một nền tảng phần mềm giúp các thương hiệu tiêu dùng khác và nhận được sự đồng thuận hoàn toàn từ ông Jon Shulkin.
Adam Brotman khi còn làm việc tại Starbucks (Ảnh: Geekwire).
Johnson và một số nhà đầu tư mạo hiểm đã bổ nhiệm Brotman làm Giám đốc và ra mắt lại công ty với cái tên mới Brightloom. Năm 2019, Brotman trở thành Giám đốc điều hành của công ty (và được Starbucks hậu thuẫn).
Ông và nhân viên của mình xây dựng phần mềm giúp các doanh nghiệp nhỏ hơn sử dụng các công cụ như đặt hàng kỹ thuật số và tiếp thị cá nhân hóa. Starbucks cũng đã cấp phép công nghệ chương trình khách hàng thân thiết và điện thoại di động của mình cho Brightloom để khách hàng có thể sử dụng.
Thách thức của việc điều hành một công ty khởi nghiệp đã tăng lên bởi đại dịch Covid-19. Khi hợp đồng thuê văn phòng của Brightloom hết hạn, Brotman quyết định ông và 51 nhân viên của mình nên chuyển sang làm việc online. Mới đầu ông cho rằng đây là một sự chuyển mình kỳ quặc và đáng sợ, tuy nhiên sau đó, ai cũng đồng ý đây là một quyết định tuyệt vời.
Một điểm sáng khác trong đại dịch, hoạt động kinh doanh của Brightloom cũng nhận được nhiều sự chú ý hơn do hầu hết các doanh nghiệp phải làm việc trực tuyến để kết nối với khách hàng. Brotman cho biết thêm: "Đại dịch khiến các doanh nghiệp có cảm giác cấp bách phải tìm ra cách để có mối quan hệ trực tuyến tốt hơn với khách hàng". Theo số liệu từ Crunchbase, Brightloom tới nay đã huy động được hơn 45 triệu USD.
Từ làm việc trong ban lãnh đạo của các thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới tới việc dẫn dắt một công ty khởi nghiệp nhỏ, tương đối ít người biết đến, Brotman cho biết ông nhận ra rằng những định nghĩa truyền thống về thành công đều không đúng với những gì ông cảm nhận lúc này.
Tất nhiên, chấp nhận rủi ro và chuyển đổi nghề nghiệp có thể đáng sợ hơn rất nhiều khi bạn không ở vị trí của Brotman và không có hàng triệu USD hỗ trợ tài chính từ các nhà lãnh đạo của Starbucks, Costco với tư cách là người cố vấn. Ông có thể khuyến khích những người khác mạnh dạn hơn một chút trong sự nghiệp của họ.
"Hãy nghĩ về những người chơi quần vợt chuyên nghiệp - họ phải thành thạo những cú giao bóng, trái tay, thuận tay và lên lưới trước khi có thể trở thành người giỏi nhất. Hãy bắt đầu với mục tiêu cuối cùng trong đầu, sau đó chia nhỏ công việc và đảm bảo đi theo từng bước đã được vạch ra", ông chia sẻ.
Hằng Đoàn
Theo CNBC