Từ 2021, nội thành Hà Nội không bán thịt chó
Năm 2021 nội thành Hà Nội sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo.
Trao đổi về việc UBND TP Hà Nội chỉ đạo tuyên truyền để tiến tới người Hà Nội không ăn thịt chó, ông Đoàn Hồng Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, đến năm 2021, ở các quận nội thành sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo.
Theo ông Phong, đây là cũng là chủ trương của UBND TP Hà Nội trong kiểm soát chặt chẽ đàn chó, mèo nuôi và các điểm giết mổ, kinh doanh để phòng ngừa bệnh dại.
“Trên thực tế, các điểm giết mổ chó, mèo không hình thành những cơ sở lớn như lò mổ, mà chỉ tồn tại ở các cửa hàng nhỏ lẻ, rất khó kiểm tra, kiểm soát. Cơ quan cấp trên là Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) chưa ban hành được quy trình kiểm soát giết mổ chó, mèo nên địa phương không biết dựa vào đâu để kiểm tra”, ông Phong cho hay.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng sẽ vận động, tuyên truyền cho người dân từ bỏ tập quán, thói quen sử dụng thịt chó, mèo.
Xếp hàng để được bỏ 30 triệu mua 1 kg nấm
Trái ngược với “số phận” của thịt chó, mèo, loại nấm Matsutake, hay còn gọi là Tùng Nhung được xem là loại nấm có giá đắt đỏ nhất thế giới đang “cháy hàng” tại Việt Nam dù giá bán của chúng lên tới 10-30 triệu đồng/kg tùy thời điểm.
Nấm Tùng Nhung, loại nấm quý hiếm và có giá đắt đỏ bậc nhất trên thế giới.
Theo nhiều đầu mối bán nấm Tùng Nhung cho biết, loại nấm này được mệnh danh là vua của các loài nấm vì chỉ khai thác được trong tự nhiên chứ chưa thể trồng nhân tạo được. Đặc biệt, chúng chỉ sinh trưởng trên rễ của cây thông còn sống và xuất hiện vào mùa thu hàng năm tại cánh rừng thông nên rất quý hiếm.
Theo các đại gia đã từng ăn loại nấm này, nấm Tùng Nhung có mùi vị rất đặc thù, thịt dày và béo, ăn giòn, ngọt thanh cùng hương thơm thoang thoảng quyến rũ.
Tuy nhiên, loại nấm này đặt mua khá khó khăn vì ở Việt Nam ít người bán. Nếu mua phải đặt trước từ 10-15 ngày tại một cửa hàng ở Sài Gòn và được chuyển ra Hà Nội bằng máy bay. Chưa kể, nếu không phải mùa thì chỉ mua được nấm khô, còn nấm tươi có tiền cũng không mua nổi.
Anh Đinh Văn Tuấn, một đầu mối chuyên phân phối nấm Tùng Nhung ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) thừa nhận, dù có giá siêu đắt đỏ nhưng nấm Tùng Nhung vẫn luôn trong tình trạng “cháy hàng” do cung không đủ cầu.
Bánh trung thu handmade bão hòa, giảm 30% khách hàng
Không “cháy hàng” như nấm Tùng Nhung nhưng bánh trung thu handmade (tự làm) đã trở nên bão hòa hơn trong mùa Trung thu năm nay.
Bánh trung thu handmade bão hoà, dân buôn chỉ dám làm cầm chừng.
Một số chủ cửa hàng bán bánh Trung thu online chia sẻ rằng, những năm trước, khách hàng mua bánh nhiều đến mức, máy sên nhân phải hoạt động liên tục. Ngày cao điểm vào từ đầu tháng 8 âm lịch hay sát Trung thu thì phải huy động toàn bộ nhân lực vào làm bánh. Nhân viên làm thêm giờ, máy móc làm hết công suất cũng không đủ hàng để phục vụ khách chứ chưa nói tới làm dư để bán thêm.
Tuy nhiên, thời hoàng kim nay đã qua, bánh trung thu handmade hiện nay đã bão hoà đi khá nhiều so với trước.
Cụ thể, ở Hà Nội, nhiều chủ cửa hàng bán bánh Trung thu handmade còn sụt giảm tới gần 30% lượng khách so với thời điểm này năm ngoái.
Dù giá cả không chênh lệch với năm ngoái, dao động khoảng 60.000 - 80.000 đồng/cái, nhưng lượng tiêu thụ giảm đi rõ rệt khiến chủ các cửa hàng cũng không thu được nhiều như những năm trước.
“Nhà nhà bán bánh trung thu, người người làm bánh trung thu, mở Facebook ra là thấy người ta bán bánh trung thu. Đó là chưa kể tới sự cạnh tranh của các hãng lớn, các loại bánh nhập khẩu, các loại bánh gia truyền nổi tiếng”, một chủ cửa hàng bán bánh Trung thu handmade nói.
Hơn nữa, do không dùng chất bảo quản nên để tránh mốc bánh thì các chủ cửa hàng càng không dám sản xuất ồ ạt. Theo đó, khách phải chốt đơn, chuyển tiền chắc chắn rồi chủ cửa hàng mới cho nhân viên bắt tay vào làm.
Hồng Vân (Tổng hợp)