Nhiều DN thúc đẩy chuyển đổi số
Nói về tầm quan trọng của số hóa trong vận tải và logistics, một chuyên gia ngước ngoài cho biết, nhu cầu hiện nay của khách hàng đã hoàn toàn thay đổi, họ cần giao hàng trong ngày và theo dõi quá trình hàng hóa vận chuyển. Trong khi đó, ngành logistics đang phát sinh bất ổn, khối lượng hàng hóa tăng vọt, công nghệ tụt hậu, thông tin không chuẩn khớp,… chuỗi cung ứng được xây dựng khá phân mảnh, chủ yếu được xây dựng từ thập niên 90, không còn hiệu quả cho chuỗi cung ứng các ngành, dẫn tới chi phí. Những điểm bất cập này nếu không được tháo gỡ, ngành logistics sẽ khó có thể phát triển, từ đó kéo giảm năng lực cạnh tranh các DN nước nhà.
Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), mặc dù chi phí logistics tại Việt Nam những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể so với trước đó, nhưng vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực . Cụ thể, logistics hiện chiếm khoảng 16,8% - 17% trong chi phí của doanh nghiệp, cao hơn so với Thái Lan (15%), Singapore (8,5%) và chiếm tới 50% chi phí vận tải. Chính bởi vậy, theo vị này, ngành logistics phải số hóa một cách mạnh mẽ nhằm giải tỏa những tắc nghẽn hiện nay.
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều DN dịch vụ logistics trong nước đã nỗ lực cải thiện công nghệ, loại bỏ các trang thiết bị cũ, lạc hậu, thay vào đó, số hóa các quy trình trong hoạt động, dịch vụ logistics nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng. Đơn cử như Trung tâm Dịch vụ Logistics Tân Cảng (SNP Logistics), từ năm 2015 đã áp dụng công nghệ số hóa hiện đại vào giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ Khai thác cảng. Theo ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc SNP Logistics, mới đây, Trung tâm đã đầu tư áp dụng hệ thống quản trị dịch vụ Logistics hiện đại “Oracle Transportation Management”, kết hợp triển khai nhiều hệ thống quản lý kho hàng nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng. “Việc triển khai ứng dụng các giải pháp CNTT trong quản lý dịch vụ logistics đem lại hiệu quả tối ưu: Quản lý 100% đơn hàng từ khách hàng từ khi phát sinh cho đến khi hoàn tất, ra hoá đơn và theo dõi công nợ, giảm thiểu các sai sót cá nhân. Đánh giá trung thực và hiệu quả năng lực của từng cá nhân trong chuỗi dịch vụ...” – ông Minh cho biết.
Cần thiết phải số hóa nếu không muốn tụt hậu
Không chỉ SNP Logistics, nhiều DN trong ngành cũng đang thúc đẩy số hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng hiện nay. Theo chia sẻ của đại diện Công ty CP Giaohangtietkiem (GHTK), hiện chủ trương của công ty là kết hợp ứng dụng công nghệ trên cả phần cứng và phần mềm, với việc đưa công nghệ chia chọn hàng hóa và xử lý hàng hóa bán tự động, mỗi ngày GHTK xử lý tới hơn 350.000 đơn hàng trên toàn hệ thống.
Những động thái của các DN dịch vụ logistics là minh chứng cho thấy, ngành dịch vụ logistics đã và đang phát triển nhanh và mạnh tại Việt Nam theo sự tăng trưởng của xuất nhập khẩu cũng như dịch vụ bán lẻ, phân phối. Giới chuyên gia nhấn mạnh: Muốn nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện dịch vụ, tăng tính cạnh tranh cho DN, góp phần cắt giảm chi phí, giá thành, DN cần sử dụng các ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên trên thực tế, mức độ sử dụng ứng dụng, giải pháp công nghệ trong các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn rất thấp. Số DN đầu tư, thúc đẩy việc số hóa vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với số DN hoạt động trong ngành hiện nay. Phần lớn DN vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, đó là lý do chi phí bị đẩy lên cao, dẫn đến sức cạnh tranh bị kéo giảm.
Số hóa là yếu tố cần thiết trong bối cảnh hiện nay đối với không chỉ DN ngành logistics nếu DN không muốn tụt hậu. Nhấn mạnh đến dịch vụ fulfillment (dịch vụ hoàn tất đơn hàng) trong hoạt động vận chuyển hàng hóa hiện nay, đại diện Tổng công ty cổ phần bưu chính Viettel cho hay, đây là dịch vụ được nhiều DN quốc tế đã áp dụng và đem lại hiệu quả hữu hiệu, cắt giảm đáng kể các chi phí “râu ria”. Dịch vụ fulfillment bắt đầu từ lúc hàng hóa được nhập vào kho đến lúc người mua hàng nhận được sản phẩm. Nói cách khác, fulfillment thay người bán hàng làm tất cả các công việc liên quan đến quản lý tồn kho, xử lý đơn hàng và vận chuyển, đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng nhanh chóng hơn. Cùng với sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử, dịch vụ e-fulfillment đang dần trở thành giải pháp quản lý vận hành hiệu quả hàng đầu cho các DN.
Cách đây chỉ một vài năm, để chuyển phát nhanh, người bán cần mang hàng ra bưu cục, hoặc gọi trung tâm thông tin để nhân viên giao hàng đến lấy. Tuy nhiên, khi ngành thương mại điện tử bắt đầu phát triển “thần tốc”, hầu hết các giao dịch thương mại đều được “internet hóa” – hoạt động mua bán diễn ra nhanh chóng và đơn giản hơn, kéo theo sự tăng lên về số lượng đơn hàng và yêu cầu quản lý kho bãi để phục vụ khách hàng tốt nhất. Điều này đòi hỏi sự đáp ứng nhanh chóng và kịp thời của ngành giao thông vận tải và chuỗi cung ứng. Khi đó, dịch vụ hoàn tất đơn hàng fulfillment ra đời như một yêu cầu tất yếu của thời đại, trở thành nhân tố then chốt của ngành logistics trong kỷ nguyên 4.0.
Tuy nhiên, để số hóa logistics hiệu quả và giảm chi phí cho ngành này, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần đề ra lộ trình, giải pháp mang tính đột phá; đặc biệt là thúc đẩy kiến tạo, cải tạo hạ tầng giao thông, giảm phí môi trường, giảm phí BOT… Cụ thể, về bến bãi, hậu cần logistics, cần quy hoạch lại những bến bãi có nguy cơ dẫn đến kẹt xe, phát sinh chi phí không hợp lý...
Thế Hưng