Fica
  1. Doanh nghiệp

Đòn giáng nặng nề của đại dịch lên ông trùm ngành trang sức PNJ

Bài lấy lại
Bài lấy lại

PNJ lần đầu trải qua 3 tháng thua lỗ liên tục khi phần lớn cửa hàng phải dừng hoạt động trong quý III.

Quý đầu tiên thua lỗ

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ, mã chứng khoán: PNJ) vừa công bố số liệu kinh doanh tháng 9, đánh dấu tháng thứ 3 tiếp tục thua lỗ. Đây là kết quả không bất ngờ khi phần lớn cửa hàng của doanh nghiệp đứng đầu ngành bán lẻ trang sức Việt Nam tiếp tục đóng cửa trong tháng vừa qua để thực hiện giãn cách xã hội. 

Trong tháng 9, doanh thu thuần của PNJ đạt 226 tỷ đồng, cao hơn tháng 8 nhưng chỉ bằng phân nửa so với tháng 7. Khoản lỗ ròng trong tháng 9 của đại gia ngành trang sức là 48 tỷ đồng.

Đòn giáng nặng nề của đại dịch lên ông trùm ngành trang sức PNJ - 1

Biểu đồ: Việt Đức.

Như vậy, trong quý III, PNJ ghi nhận doanh thu thuần tổng cộng là 877 tỷ đồng. Mức doanh số của công ty trong cả quý vừa qua thậm chí còn thấp hơn một tháng kinh doanh trong điều kiện bình thường.

Với mức lỗ ròng 158 tỷ đồng, quý III cũng là quý đầu tiên PNJ báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Vào quý II/2020, thời điểm cả nước giãn cách xã hội lần đầu, PNJ vẫn có lãi 32 tỷ đồng. 

Ban lãnh đạo PNJ cho biết trong quý III, công ty đã mất đến 77% tổng thời gian kinh doanh, dẫn đến những thiệt hại lớn về tài chính. Tính đến thời điểm 30/9, mới có 146/336 cửa hàng của hệ thống bán lẻ trang sức này hoạt động trở lại bình thường. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.514 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2020. Trong các mảng kinh doanh của PNJ sau 9 tháng, kênh bán lẻ tăng trưởng nhẹ 8% so với cùng kỳ năm trước, đạt doanh số hơn 7.000 tỷ đồng. Doanh thu vàng miếng cũng tăng 13% lên hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu kênh sỉ sụt giảm 6% còn dưới 2.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế đạt 576 tỷ đồng, giảm 10%. Sau tác động nghiêm trọng của dịch bệnh đến tình hình kinh doanh quý III, công ty mới chỉ hoàn thành 47% kế hoạch lợi nhuận năm. 

Đòn giáng nặng nề của đại dịch lên ông trùm ngành trang sức PNJ - 2

Biểu đồ: Việt Đức.

Sẽ phục hồi nhanh?

Đại diện doanh nghiệp thông tin trong 2 tuần đầu tháng 10, 94% số lượng cửa hàng bán lẻ của PNJ trên toàn quốc đã quay trở lại kinh doanh. Riêng khu vực trọng điểm là TPHCM cũng đã ghi nhận 93% số cửa hàng mở cửa trở lại. Trong những tháng cuối năm, công ty sẽ đẩy mạnh các chương trình quảng cáo tiếp thị cho từng nhóm khách hàng, thị trường riêng biệt, thúc đẩy kênh online để gia tăng doanh số. 

Trong báo cáo phân tích gần nhất về PNJ cuối tháng 9, chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhận định sau khi mở cửa trở lại, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm nay của đại gia ngành bán lẻ trang sức ước tính có thể lần lượt là 17.200 nghìn tỷ đồng (giảm 2% so với cùng kỳ) và 971 tỷ đồng (giảm 9%).

Sang đến 2022, SSI dự báo kết quả kinh doanh của PNJ sẽ tăng trưởng mạnh trở lại khi doanh số có thể tăng 18% so với năm nay còn lợi nhuận tăng 39%. Theo SSI, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 không chỉ mang đến khó khăn cho PNJ. Công ty có thể hưởng lợi chính từ việc các đối thủ cạnh tranh phải đóng cửa.

Đòn giáng nặng nề của đại dịch lên ông trùm ngành trang sức PNJ - 3

Diễn biến giá cổ phiếu PNJ từ đầu năm (Ảnh: TV).

Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng nhận định tập khách hàng mua sắm hàng trang sức thời trang của PNJ có thu nhập trung bình cao ổn định sẽ giúp công ty có lợi thế cạnh tranh để phục hồi khi tác động của dịch Covid-19 giảm dần. Với thu nhập cao hơn mặt bằng chung xã hội, những khách hàng này cũng sẽ vượt qua các tác động về kinh tế của đại dịch nhanh hơn. 

Sau những khó khăn, VCSC cho rằng đại dịch cũng giúp PNJ có thể mở rộng mạng lưới cửa hàng tại những địa điểm mặt bằng tốt với giá thuê tốt hơn so với trước đây.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PNJ đóng cửa phiên 21/10 với mức giá 98.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi rơi mạnh trong 2 tháng 7-8, cổ phiếu PNJ đang phục hồi với mức tăng giá 15% từ đầu tháng 9 đến nay.

Việt Đức