Fica
  1. Doanh nghiệp

"Doanh nghiệp tâm sự không cần tiền để trả lương mà lo cơm cho nhân viên"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

"Có nhiều doanh nghiệp tâm sự với tôi họ không cần tiền để trả lương mà họ chỉ mong có đủ tiền để lo bữa cơm của nhân viên", ông Lê Xuân Nghĩa chỉ ra tình trạng chung của không ít doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lao đao vì Covid-19

Chia sẻ tại tọa đàm "Vốn vay lãi suất thấp, cứu tinh cho doanh nghiệp trong đại dịch" do báo Dân trí tổ chức sáng 9/11, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - nhận định dòng tiền của nhiều doanh nghiệp đang âm trong 2 năm qua.

Theo ông, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một lượng lớn người lao động tháo chạy khỏi TPHCM và các khu công nghiệp miền Đông. 

"Từ năm 2019 - 2020 nhu cầu về vốn vẫn khá, tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Năm 2021, chúng tôi dự báo tăng lên 15 - 16%. Nhưng thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay đáng lo ngại. Điều quan trọng hơn cả vốn là dòng tiền của các doanh nghiệp bị âm. Nói cách khác, doanh nghiệp sản xuất ra không bán được hàng, thành tích vẫn có, có doanh thu, có lợi nhuận nhưng dòng tiền âm", ông nói.

Doanh nghiệp tâm sự không cần tiền để trả lương mà lo cơm cho nhân viên - 1

Dòng tiền của nhiều doanh nghiệp đang âm trong 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Theo ông Nghĩa, từ năm nay, nhiều tập đoàn đều có dòng tiền bán hàng âm, dòng đầu tư âm, dòng tài chính trên thị chứng khoán may mắn có thể dương. Nhưng nếu tình hình trên cứ kéo dài thì dòng tiền mong manh trên thị trường chứng khoán cũng có thể giảm xuống, không thể bù đắp cho các dòng tiền đầu tư.

"Tập đoàn lớn còn thế, còn những tập đoàn nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì dòng tiền âm cách đây 2 năm. Họ không biết làm thế nào, nói nhu cầu vay vốn thì lúc nào họ chẳng có nhu cầu nhưng họ không đủ điều kiện để vay nữa rồi", ông phân tích.

Hiện tại, các doanh nghiệp đang trong tình trạng nhìn dòng luân chuyển hàng hóa đứt gãy nghiêm trọng. Đôi khi, các doanh nghiệp nhập thiết bị, nguyên vật liệu về cũng để đấy. Bởi lực lao động thì không có, khách hàng mua không có, hợp đồng cũng không có mà giá xăng, giá gas tăng cao, còn cước vận tải, vận chuyển tăng 9 - 10 lần. Cho nên, nhiều doanh nghiệp chỉ còn lại ít tiền để duy trì lực lượng lao động, hoạt động công ty.

"Có nhiều doanh nghiệp tâm sự với tôi họ không cần tiền để trả lương mà họ chỉ mong có đủ tiền để lo bữa cơm của nhân viên", ông Nghĩa chỉ ra tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khi tiếp cận với các nguồn vốn giá rẻ từ ngân hàng nhưng tài sản thế chấp đã hết, doanh thu giảm, lợi nhuận cũng âm vì đại dịch. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng, dư địa để tiếp tục giảm lãi suất không còn lớn. Cho nên, vấn đề này tùy thuộc vào từng tổ chức tín dụng. Ngoài ra, theo ông, doanh nghiệp sẽ vay thế nào khi họ không đáp ứng được điều kiện.

Tổ chức tín dụng vẫn cần xem xét cho vay được, xem xét từng khách hàng nhưng phải kiểm soát dòng tiền. Đặc biệt đối với các hộ nông dân có phương án sản xuất, thông qua tổ chức chính trị xã hội chia sẻ thì vẫn có thể giải ngân cho họ nhưng cần có cơ chế bảo lãnh, song hiện nay vẫn chưa áp dụng được, việc tiếp cận vốn vay vẫn còn khó khăn.

Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp ra sao?

Ông Phạm Tiến Trình, Trưởng Ban Chính sách Tín dụng Agribank, thông tin, 4 tiêu chí đối với các doanh nghiệp tại Agribank gồm: Không nhập được thiết bị vật tư; Sản xuất ra sản phẩm, thành phẩm mà ko tiêu thụ được; Doanh thu bán hàng, lợi nhuận bị sụt giảm so với cùng kỳ trước.

Đối với khách hàng cá nhân, những người bị dừng việc, mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng; là bệnh nhân đi cách ly cũng là đối tượng trong bộ tiêu chí. Ngân hàng này xác định dựa trên các tiêu chí trên để làm căn cứ để cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, cho vay phục hồi tiếp để phát huy tác dụng trong gói hỗ trợ chính xác nhất.

Về thủ tục, trong điều kiện đối với những vùng ảnh hưởng ít (vùng xanh, vàng), tính chất giãn cách thấp thì vẫn đến ngân hàng giao dịch được, hồ sơ thủ tục hoàn thiện được. Nhưng với khu vực yêu cầu giãn cách cao (vùng cam, đỏ, nơi thực hiện chỉ thị 15-16) không được ra đường thì giao dịch khó khăn.

Trường hợp này Agribank tiếp nhận thông tin về cơ cấu nợ, miễn giảm lãi bằng hình thức trực tuyến thông qua gửi mail, tin nhắn, fax để ngân hàng tiếp nhận thông tin và xử lý. Đồng thời, ngân hàng cho phép sau khi giãn cách 30 ngày thì hoàn thiện thủ tục trực tiếp.

Trong lúc giãn cách, khách hàng F0, F1 cũng được áp dụng. Tất cả chuyển sang trực tuyến, nhưng cũng có thời hạn.

"Khuôn khổ của Nhà nước không cho phép, nhưng trước mắt, Agribank xử lý trực tuyến để hoàn thiện sau, làm như vậy để các giao tiếp giữa hai bên và thủ tục không bị gián đoạn", ông Trình nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7 đến 30/9 của 16 ngân hàng là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết. Trong đó, có 3 ngân hàng giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ nhiều nhất đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lần lượt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

An Chi