Trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn hiệu quả |
Lượng phát hành mới của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 4 đạt 30.121 tỷ đồng, xấp xỉ mức 35.550 tỷ đồng trong cả quý 1/2020.
Sau lượng phát hành rất thấp trong quí 1, ngân hàng đã quay trở lại phát hành tương đối lớn lượng trái phiếu trong tháng 4.
Cụ thể, các ngân hàng đã huy động hơn 14.400 tỉ đồng với kỳ hạn bình quân 4,4 năm. Con số này tăng mạnh so với mức 940 tỉ đồng phát hành trong cả quí 1.
Theo đó, ngân hàng chiếm 47,83% tỷ trọng phát hành, tăng vọt so với tỷ trọng 2,3% trong quí 1. Xếp tiếp theo sau là lĩnh vực bất động sản (tổng giá trị phát hành gần 9.650 tỉ đồng chiếm 32,04%).
Điển hình trong số này là Ngân hàng BIDV với 9 đợt phát hành, huy động hơn 5.900 tỉ đồng, tiếp theo là VIB 2 đợt phát hành, huy động 2.000 tỉ đồng, hay HDBank (1.700 tỉ đồng); VPBank (1.200 tỉ đồng); SHB và MaritimeBank (đều huy động 1.000 tỉ đồng).
Tính từ đầu năm, nhóm bất động sản vẫn là nhóm có tổng lượng phát hành nhiều nhất đạt 29.213 tỷ đồng (tương đương hơn 44%). Nhóm ngân hàng do 3 tháng đầu năm phát hành khối lượng tương đối thấp nên tổng lượng phát hành chỉ khoảng 15.390 tỷ đồng (khoảng 23,47%).
Trong bối cảnh huy động vốn từ kênh ngân hàng của doanh nghiệp vẫn còn tương đối khó khăn khi gói hỗ trợ tín dụng vẫn còn chưa đến được với nhiều doanh nghiệp thì kênh trái phiếu được dự báo vẫn tiếp tục sôi động trong thời gian tới.
Gần đây, NHNN đã thực hiện giảm lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất huy động. Do đó, kênh TPDN cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn tương đối khi mức lãi suất ở mức cao hơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng hoàn toàn có cơ hội hạ lãi suất TPDN nhằm giảm chi phí vốn trong thời gian tới.
Mai Chi