Fica
  1. Doanh nghiệp

Doanh nghiệp “Cần trục bánh lốp” trước mối lo phá sản

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Doanh nghiệp kinh doanh máy móc, thiết bị, ô tô và xe có động cơ khác “kêu cứu” việc phân loại mã số hàng hóa đối với mặt hàng “Cần trục bánh lốp” trong hoạt động doanh nghiệp.

việc truy thu thuế không chỉ là 3% thuế nhập khẩu, mà còn là 20% tiền truy thu khi doanh nghiệp tự đóng trước khi có quyết định xử phạt hành chính, 100% tiền truy thu nếu đóng sau khi có quyết định xử phạt.

Việc Tổng cục Hải quan yêu cầu rà soát lại việc phân loại mã hàng hóa với mặt hàng “Cần trục bánh lốp” đối với doanh nghiệp dẫn tới việc truy thu 3% thuế nhập khẩu sẽ gây ra những hệ lụy cho doanh nghiệp.

Trong đó, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm về việc ngày 10/9/2018, Tổng cục Hải quan có ban hành Công văn 5266/TCHQ-TXNK về việc phân loại cần trục bánh lốp gửi cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Theo nội dung tại Mục 2 Công văn 5266, Tổng Cục Hải quan có ý kiến cho rằng: “Các cần trục bánh lốp có hai cabin riêng biệt (cabin điều khiển di chuyển phương tiện và cabin điều khiển cần trục), có kết cấu tương tự như ô tô cần cẩu được nêu tại Mục 3.4.2 của Tiêu chuẩn TCVN 7772:2007, phân loại thuộc mã số 8705.10.00 – Xe cần cẩu”.

Truy thu 3% sẽ là “ác mộng”

Liên quan đến mặt hàng nhập khẩu “Cần trục bánh lốp”, theo quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư 13/2015/TT-BGTVT, thì mặt hàng “Cần trục bánh lốp” sẽ có mã HS 8426.41.00. Trước đó, tại Mục 1 trong phần Danh mục của Quyết định 19/2006/QĐ-BGTVT cũng quy định rõ về mã số hàng hóa mặt hàng này như sau: Mã số HS: 8426.41.00; Mô tả hàng hóa: Cần trục bánh lốp.

Và với nội dung này, theo ông Lưu Đình Tuấn, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn 911 – sẽ hiểu rằng, với những doanh nghiệp đã thực hiện nhập khẩu mặt hàng trên từ năm 2013 đến nay sẽ thuộc phạm vi bị rà soát, trường hợp những doanh nghiệp nào phân loại mặt hàng trên theo mã HS 8426.41.00 sẽ phải phân loại lại thành mã HS 8705.10.00. Và với mã HS 8705.10.00 tương ứng mức thuế xuất nhập khẩu 3%. Điều này có nghĩa, những doanh nghiệp đã kê khai mã HS 8426.41.00 sẽ bị truy thu 3% thuế nhập khẩu.

Và trên thực tế, vào các ngày 1 và 2/10/2018, cơ quan hải quan Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra sau thông quan với một số doanh nghiệp và kết luận “doanh nghiệp có hành vi khai sai mã số hàng hóa”.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng với kết luận như trên là không thỏa đáng cho doanh nghiệp, vì tại Khoản 3,4 Điều 6 Thông tư 14/2015 /TT-BTC đã quy định: “3.Trường hợp có ý kiến khác nhau về phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế khi áp dụng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, tiêu chuẩn chuyên ngành, Bộ Tài chính thống nhất với các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan xử lý.

4.Trường hợp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thủ trưởng các cơ quan hữu quan khác ban hành văn bản sửa đổi hướng dẫn phân loại, làm ảnh hưởng tới quá trình khai báo hải quan về mã số, mức thuế và hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh của người khai hải quan, người nộp thuế thì thực hiện phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế kể từ ngày văn bản sửa đổi hướng dẫn phân loại có hiệu lực pháp luật theo quy định”.

Vẫn theo ông Tuấn, việc doanh nghiệp phân loại mã số hàng hóa không đúng với yêu cầu của Tổng Cục Hải quan là do sự khác biệt về cách thực thi văn bản pháp luật của hai cơ quan là Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, các cơ quan này cần phải phối hợp với nhau để đưa ra hướng xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

“Phương thức xử lý phù hợp là phải có sự thống nhất về cách áp dụng pháp luật để doanh nghiệp có cơ sở thực thi, chứ không phải tiến hành rà soát và quy trách nhiệm cho doanh nghiệp là có hành vi khai sai mã số hàng hóa”, ông Tuấn bày tỏ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc, xét dưới góc độ kinh tế, việc Tổng cục Hải quan yêu cầu rà soát lại việc phân loại mã hàng hóa với mặt hàng “Cần trục bánh lốp” đối với doanh nghiệp dẫn tới việc truy thu 3% thuế nhập khẩu sẽ gây ra những hệ lụy cho doanh nghiệp. Bởi hầu hết các doanh nghiệp khi nhập khẩu các loại cần trục bán lốp đều khai báo mã HS 8426.41.00 trong suốt thời gian từ năm 2013 đến nay.

Trong quá trình nhập khẩu, các nhà nhập khẩu bán đều không tính đến khoản thuế nhập khẩu 3% vào giá bán, do đó thị trường mua bán, cho thuê, khai thác… đều có giá cả được hình thành trên mức thuế 0%. Vì vậy, việc truy thu thuế không chỉ là 3% thuế nhập khẩu, mà còn là 20% tiền truy thu khi doanh nghiệp tự đóng trước khi có quyết định xử phạt hành chính, 100% tiền truy thu nếu đóng sau khi có quyết định xử phạt. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải gánh chịu tiền phạt chậm nộp thuế cho số tiền truy thu tính từ năm 2013 đến nay.

“Từ những hệ lụy này sẽ ảnh hưởng tới số lượng rất lớn các doanh nghiệp, đẩy các doanh nghiệp vào tỉnh cảnh khó khăn về tài chính, thậm chí dẫn đến phá sản do phải gánh chịu một khoản thuế quá lớn”, ông Hiền nhấn mạnh.

Doanh nghiệp “hoang mang”

Vẫn theo sự chia sẻ của các doanh nghiệp, thực tế 5 năm qua các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh mua bán, khai thác cần trục bánh lốp không có sự tăng trưởng nào vượt bậc so với các ngành nghề khác. Trái lại, 2 năm trở lại đây, ngành kinh doanh này còn bị sụt giảm mạnh về doanh số và việc làm. Giá cần trục bánh lốp giảm mạnh đã kéo tài sản của doanh nghiệp “lao dốc” theo.

Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Thiết bị và dịch vụ TCE – ông Lê Mạnh Hùng cho biết, từ năm 2013 các ngân hàng thương mại không chấp nhận cầm cố cho vay cần trục bánh lốp, nên các doanh nghiệp trong ngành bị thiếu vốn trầm trọng, phải vay lãi suất cao từ các công ty tài chính nước ngoài. Nay lại thêm bị áp thuế 3%, truy thu, bị phạt sẽ khiến cho khả năng cạnh tranh của ngành nghề này đã kém nay lại yếu hơn.

Thêm nữa, có một thực tế rằng, lâu nay có nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu cần trục bánh lốp vào Việt Nam để khai thác. Sau khi hết dự án, họ giải thể về nước, bán thiết bị nên khó hoặc không bị truy thu thuế. “Như vậy sẽ gây nên một sự bất công, thiệt thòi cho các doanh nghiệp chân chính trong nước, làm cho khả năng cạnh tranh, sinh tồn, phát triển của doanh nghiệp Việt Nam vốn đã khó khăn nay lại trở nên mong manh hơn rất nhiều”, ông Hùng thẳng thắn.

Ông Nguyễn Lê Phúc Anh, Giám đốc công ty TNHH Máy xây dựng Việt Nhật đánh giá, việc các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật nay bị truy thu thuế sẽ gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng doanh nghiệp, làm ảnh hưởng tới nỗ lực của Thủ tướng trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, ưu đãi và khích lệ doanh nghiệp.

Do đó, ông Nguyễn Lê Phúc Anh cho rằng, việc Tổng cục Hải quan đề nghị các Cục Hải quan tỉnh, thành phố rà soát và thực hiện phân loại là chưa phù hợp với thực tế tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và thực tế thực thi pháp luật của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải.

Nguyễn Việt