Fica
  1. Doanh nghiệp

Cựu chủ tịch Nissan đã bỏ trốn khỏi Nhật như thế nào?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Không phải chui vào thùng đựng nhạc cụ như tin đồn, có vẻ như cựu lãnh đạo Nissan đã trốn khỏi nhà và sau đó vượt biên giới Nhật một cách đơn giản hơn rất nhiều, bất chấp việc đang bị quản thúc 24/24 và tịch thu cả ba hộ chiếu.

Cựu chủ tịch Nissan đã bỏ trốn khỏi Nhật như thế nào? - 1

Bộ trưởng Tư pháp Nhật - bà Masako Mori phát biểu trong buổi họp báo về cuộc bỏ trốn của ông Carlos Ghosn khỏi Nhật Bản. Ảnh: Getty

Cựu chủ tịch Nissan và Renault - ông Carlos Ghosn bắt đầu cuộc trốn thoát "ngoạn mục" của mình khỏi Nhật Bản trên một chuyến tàu nhanh từ Tokyo tới Osaka, có thể là đã đi cùng nhiều người, theo hãng tin Kyodo.

Giới chức Nhật Bản hôm qua 6/1 cũng cho biết họ vẫn đang yêu cầu dẫn độ ông Ghosn từ Lebanon về Nhật Bản để xét xử nhiều tội danh gian lận tài chính, mặc dù Lebanon thường không đồng ý dẫn độ công dân của mình.

Hãng tin Kyodo hôm qua đã dẫn nguồn thạo tin cho biết, các camera an ninh đã ghi được hình ảnh ông Ghosn rời khỏi nhà vào khoảng 2 rưỡi chiều 29/12 và sau đó vài giờ có mặt tại ga Shinagawa ở Tokyo, nơi ông lên tàu để tới ga Shin Osaka.

Cựu lãnh đạo Nissan đã di chuyển bằng ô tô tới một khách sạn ở gần Sân bay quốc tế Kansai ở Osaka, nơi ông lên máy bay riêng vào lúc 11 giờ đêm. 

Ông Ghosn bị cấm rời khỏi Nhật Bản trong thời gian đợi phiên toà xét xử các tội danh gian lận tài chính khi ông còn là chủ tịch Nissan. Ông đã phủ nhận mọi cáo buộc và cho biết mình bỏ trốn cái mà ông gọi là hệ thống pháp lý bất công.

Các công tố viên đang phối hợp cảnh sát để điều tra việc trốn thoát của ông Ghosn và tìm ra ai đã giúp ông, theo hãng tin Kyodo.

Trong buổi họp báo đầu tiên của chính phủ Nhật sau cuộc đào tẩu của ông Ghosn, Bộ trưởng Tư pháp Nhật - bà Masako Mori cho biết, theo nguyên tắc chung, Tokyo vẫn có thể yêu cầu dẫn độ một người đang bị tình nghi phạm tội từ một nước không ký hiệp ước dẫn độ chính thức với Nhật.

Một yêu cầu như vậy cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên khả năng đảm bảo việc trao đổi có đi có lại và luật của nước đối tác, theo bà Mori.

Bà không đề cập điều gì sẽ đảm bảo việc có đi có lại trên, cũng không cho biết đã có công dân Lebanon nào ở Nhật bị truy nã ở Lebanon chưa.

Bà Mori chỉ cung cấp một chút thông tin về cuộc bỏ trốn của ông Ghosn khỏi nhà, nơi ông bị quản thúc 24/24. Bà chỉ nhiều lần nói rằng bà không thể bình luận chi tiết vì công tác điều tra vẫn đang tiếp tục.

Lên tiếng sau nhiều ngày im lặng trước việc ông Ghosn bỏ trốn vào ngày 30/12, giới chức Nhật Bản cho biết sẽ thắt chặt kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh và điều tra cuộc bỏ trốn của ông Ghosn một cách kỹ càng. Các cơ quan chức năng cũng đã ban bố một thông báo quốc tế về việc truy bắt ông Ghosn.

Lebanon cho biết đã nhận được lệnh truy nã của Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đối với ông Ghosn, nhưng khẳng định rằng ông này đã vào Lebanon một cách hợp pháp. Một quan chức an ninh cấp cao của Lebanon cho biết nước này không dẫn độ công dân của mình.

Trong khi đó, bà Mori cũng đã lên tiếng bảo vệ hệ thống luật pháp Nhật Bản trước lời cáo buộc của ông Ghosn rằng nó không công bằng.

Tại Nhật, đối tượng bị tình nghi mà bác bỏ các cáo buộc đối với mình thường bị tạm giam rất lâu và bị thẩm vấn rất nhiều mà không có mặt luật sư biện hộ. Quy trình này đã bị chỉ trích là "một nền tư pháp giữ người làm con tin".

"Có rất nhiều ý kiến về hệ thống tư pháp của Nhật nhưng việc này với cuộc bỏ trốn là hai việc khác nhau," bà Mori nói với các phóng viên. Theo bà, đó không phải là cái cớ để biện minh cho hành vi bỏ trốn của ông Ghosn.

Nhật Minh

Tổng hợp