Trả lời phóng viên Dân trí, ông Cù Thành Đức, Phó trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở KH&ĐT TPHCM, cho biết, tháng 5, Nguyễn Vũ Quốc Anh đã lập liên tiếp 5 doanh nghiệp từ vài tỷ đồng đến con số lớn nhất là hơn 500.000 tỷ đồng.
"Phía Sở KH&ĐT đã thông báo đến cá nhân doanh nghiệp các quyền và nghĩa vụ của họ. Đồng thời, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tham gia thị trường doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp", ông Cù Thành Đức cho biết.
Nhà riêng đồng thời là trụ sở công ty bán thực phẩm chức năng, kiêm túi xách, giày dép online của Nguyễn Vũ Quốc Anh, người đứng tên lập doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng (Ảnh Việt Đức).
Ông Đức cho biết, theo dữ liệu của Sở và trên hệ thống kinh doanh quốc gia, Nguyễn Vũ Quốc Anh đang đứng tên lập 5 doanh nghiệp.
"Chúng tôi cấp đăng ký kinh doanh xong, chuyển sang các cơ quan Nhà nước cấp thẩm quyền phối hợp cùng với họ để giám sát, theo dõi việc góp vốn của doanh nghiệp", ông Đức thông tin.
Trước đó, trả lời về việc lập doanh nghiệp vốn hơn 500.000 tỷ đồng, Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986): "Tiền này với tụi tôi chả là gì" và cho rằng "mình người thật, việc thực, không đăng ký vốn ảo". Người này còn cho hay có tới 17 doanh nghiệp và đang hoàn thiện đăng ký, đồng thời hé lộ thông tin sẽ sớm công bố vốn và trả lời chính thức báo giới.
Tuy nhiên, thực tế theo thông tin của phóng viên Dân trí, Nguyễn Vũ Quốc Anh đang sở hữu công ty bán thực phẩm chức năng kiêm bán quần áo, giày dép và túi xách online. Trụ sở công ty cá nhân này được đặt tại ngôi nhà cấp 4 tại TP Thủ Đức, TPHCM và đây cũng chính là nơi ở, làm việc của gia đình người đàn ông này.
Hiện dư luận nghi vấn việc "làm màu, thông tin giật gân" khi một cá nhân chưa tên tuổi khai số vốn góp hơn 499.998 tỷ đồng vào một siêu doanh nghiệp 21,7 tỷ USD) tức là tài sản của cá nhân này đã lớn gấp hơn 3 lần tài sản của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về trường hợp Sở KH&ĐT TPHCM đã nắm bắt các thông tin trên để đưa cá nhân này vào diện rủi ro để hỗ trợ cũng như giám sát để xử lý nếu sai phạm, ông Đức cho rằng: Sở KH&ĐT ngay sau khi có thông tin đã đưa vào diện giám sát việc góp vốn của họ.
"Vì họ đang trong quá trình thành lập doanh nghiệp từ tháng 5 nên chưa nói được gì cả, đây vẫn là thời điểm họ góp vốn. Giả sử trong thời gian tới, nếu họ góp vốn đủ không sao nhưng nếu họ rút giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp, giải thể họ phải làm hết trình tự thủ tục. Các cổ đông có 90 ngày để thực hiện góp đủ vốn đăng ký, sau đó có thêm 30 ngày nếu không đủ thì thực hiện đăng ký giảm vốn. Nếu quá thời hạn mới có cơ sở xử lý doanh nghiệp", ông Đức thông tin.
Về thông tin Sở KH&ĐT TPHCM báo cáo Công an TPHCM và Bộ Công an do trường hợp đăng ký toàn doanh nghiệp khủng, siêu doanh nghiệp, ông Đức cho biết hiện chưa rõ về thông tin gửi công an về trường hợp cá nhân lập hàng loạt doanh nghiệp "siêu khủng" hay không, ông này cho biết thêm đây là thông tin "mật", không tiết lộ.
Tuy nhiên, theo ông: "Quan điểm của Sở là báo cáo lên cơ quan công an là rất nhạy cảm, bởi đăng ký kinh doanh bắt chuyển công an làm gì? Sẽ rất ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh vì chúng ta đã có đầy đủ các quy định pháp luật rồi".
Trước đó, một số nguồn tin cho biết Sở KH&ĐT TPHCM đã báo cáo công an TPHCM và Bộ Công an về trường hợp người đàn ông sinh 1986 liền lúc lập 5 doanh nghiệp có quy mô vốn hàng trăm triệu USD đến hàng chục tỷ USD.
Việc thông tin đến cơ quan công an được cho là nhằm xác minh, rà soát bảo vệ hoạt động của cá nhân, hỗ trợ các thực thi pháp luật nhưng cũng nhằm tránh tình trạng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách để kê khai thông tin thiếu trung thực, đùa giỡn pháp luật.
Theo ông Đức, hiện nay Sở đã chuyển các thông tin sang cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương và trung ương phối hợp quản lý. Riêng Bộ KH&ĐT là cơ quan được biết ngay từ đầu để có những báo cáo, chỉ đạo.
Nguyễn Tuyền