Fica
  1. Doanh nghiệp

Chuyên gia: Sợ hãi khi lập doanh nghiệp phải xin 35 chữ ký và 30 con dấu

Bài lấy lại
Bài lấy lại

"Trước khi Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 1999, để doanh nghiệp được thành lập, phải có 35 chữ ký, 30 con dấu khác nhau...", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh kể.

Tại Hội nghị đánh giá 20 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, khá nhiều chuyên gia thuộc thế hệ những người soạn thảo Luật này và những người tham gia Tổ Thi hành Luật Doanh nghiệp đã đánh giá lại thành tựu và đưa ra hướng mới cho bộ luật được giới doanh nghiệp, chuyên gia đánh giá như sự mở đường cho kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia: Sợ hãi khi lập doanh nghiệp phải xin 35 chữ ký và 30 con dấu - 1

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Theo ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng, Viện CIEM: Trước khi Luật Doanh nghiệp được ban hành, để doanh nghiệp được thành lập, phải có 35 chữ ký 30 con dấu khác nhau. 

"Tôi biết một ông Chủ tịch tỉnh, một ngày phải làm kịch liệt, ký nhiều nhưng cũng chỉ 30 doanh nghiệp mà thôi. Đấy là bản thân vị chủ tịch đó “tốt”. Còn nếu họ có vấn đề thì doanh nghiệp rất mệt. Doanh nghiệp muốn thành lập, phải có chữ ký, con dấu mà có con dấu, chữ ký phải xin xỏ, phải có gì bôi trơn… Chi phí thành lập doanh nghiệp tốn thời gian và số tiền vô cùng lớn", ông Doanh nói.

Ông Doanh kể: Sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời 3 tháng, chưa thấy tỉnh nào động tĩnh gì, chúng tôi đi hỏi thì được biết, vướng mắc chính là ở các tỉnh, chưa hiểu, chưa biết Luật.

Vị chuyên gia nhớ lại: Ngày ấy, có chị là lãnh đạo Bắc Giang nói tôi là Chủ tịch tỉnh nên biết doanh nghiệp nào tốt và cho họ thành lập, còn không tốt thì không cho thành lập. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi lại đạo luật nào cho chị quyền cấp phép như vậy, chị đó ngồi im. 

Cũng tương tự, ông Doanh kể chuyện, chủ tịch tỉnh Khánh Hoà thấy địa phương nhiều khách sạn quá nên cấm xây khách sạn. "Tôi bảo, ông căn cứ vào đâu để cấm, nếu cấm xây khách sạn, các khách sạn cũ giữ giá thì anh xử lý sao, có lợi ích nhóm không? Sau đó ông ấy bỏ quy định đó", ông Doanh nhớ lại.

Hay việc “Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quy định, doanh nghiệp không được đóng xà lan 2.000 tấn, nhưng chúng tôi về Nam Định, thấy dân họ đóng 5.000 tấn... làm được vậy thì phải có rất nhiều phí bôi trơn”, TS Doanh nói.

Ông Doanh nói: Sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời mà không có động tĩnh gì từ các địa phương, tôi cùng nhiều người đã báo cáo anh Trần Đức Nguyên, lúc đó là Thư ký của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, đề xuất thành lập Tổ Thi hành Luật Doanh nghiệp. Khi Tổ này được lập ra, những vấn đề mới được giải quyết.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Muốn cải cách chúng ta cần có bàn tay sắt, sạch của Nhà nước để phá bỏ nhóm lợi ích đối với thi hành các Luật. Tóm lại, hiện nay chúng ta cần sức mạnh của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp để phá bỏ các chính sách lạc hậu, cũ kỹ.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: “Đừng sợ dân giàu và đừng sợ sự tự do. Dân người ta không tin Nghị định bằng Luật đâu, bởi Nghị định có thể sửa, hồi tố".

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện CIEM: “Việc loại bỏ các điều kiện, giấy phép kinh doanh vẫn do các Bộ chủ quản làm, thấy không hợp lý thì bỏ. Sau này khi có Tổ công tác của Thủ tướng thì Tổ công tác rà soát các điều kiện, sau đó lại báo về Bộ xem cái này Bộ có thấy hợp lý không mới bỏ. Chính vì việc này chúng ta càng khó bỏ điều kiện kinh doanh, không Bộ nào muốn bỏ quyền lợi và lợi ích của mình cả”.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng thừa nhận: “Mô hình các Tổ công tác về cắt giảm điều kiện kinh doanh hiện nay không thành công bởi quy định. Thủ tướng chỉ bổ nhiệm phải là Thứ trưởng trở nên. Còn các Tổ công tác trong Bộ hoặc giữa các Bộ với nhau là do Bộ trưởng bổ nhiệm".

“Cái gì cũng qua Bộ trưởng cũng trở nên bị méo mó nhiều. Nếu không thoát được quan điểm và cách xử lý hành chính như này thì khó có thành công như tổ thi hành luật doanh nghiệp”, ông Cung nói.

Vị chuyên gia lão làng nói: “Hiện nếu muốn sửa đổi Luật nào thì phải trông vào trí tuệ bên ngoài, chứ đừng trông vào các Bộ. Ngay bản thân tôi cũng không được trọng dụng để góp ý vào sửa đổi Luật dù rất gắn bó với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư”.

An Linh

Chuyên gia: Sợ hãi khi lập doanh nghiệp phải xin 35 chữ ký và 30 con dấu - 2