Nhập về 12.800 đồng/lít, tự sản xuất 32 nghìn đồng/lít
Ngày 3/4, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành Công Thương.
Đến nay, nhiều dự án vẫn trong cảnh thua lỗ, đắp chiếu, trong đó việc xử lý các dự án mà DNNN không chiếm đa số vốn khó khăn hơn do phụ thuộc vào đối tác bên ngoài. Dự án ethanol Bình Phước là một ví dụ.
Dự án ethanol Bình Phước được đầu tư theo quyết định 02 ngày 20/1/2010 của Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF). Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là hơn 1.600 tỷ đồng. Dự án là liên doanh của Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil). PVOil ban đầu nắm 51% vốn điều lệ nhưng trước khi dự án khởi công giảm còn 29%, chuyển nhượng phần vốn còn lại cho Licogi 16. Tháng 5/2014, ITOCHU rút lui, nhượng lại phần vốn cho Toyo Thai New Energy.
Dự án ethanol Bình Phước nằm đắp chiếu nhiều năm do sản phẩm không cạnh tranh được.
PVOil cam kết bao tiêu 100% sản phẩm bio-ethanol của nhà máy theo nguyên tắc giá cả hàng năm sẽ được điều chỉnh theo giá sắn lát đầu vào.
Tại báo cáo kiểm toán hoàn thành cuối 2019, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cam kết này không có cơ sở chắc chắn.
Thực tế sau khi đi vào vận hành, giá sắn lát lên cao đẩy chi phí tăng và Nhà nước chưa có lộ trình sử dụng xăng sinh học. PVOil không thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm cho nhà máy, dẫn đến nhà máy gặp khó về nguồn cung và tiêu thụ. Đây là nguyên nhân chính khiến nhà máy kinh doanh kém hiệu quả, phải dừng hoạt động từ 2013 đến nay.
Theo Kiểm toán Nhà nước, việc nhà máy ethanol Bình Phước dừng hoạt động từ năm 2013 khiến Công ty OBF thua lỗ nặng. Ước tính mỗi năm, OBF lỗ khoảng 262 tỷ đồng, trong đó lãi vay 120 tỷ đồng, 90 tỷ đồng khấu hao và 52 tỷ chi phí duy trì nhà máy.
Tính đến cuối 2018, nhà máy ethanol Bình Phước đã thua lỗ 1.280 tỷ đồng; ngoài ra mất toàn bộ vốn chủ sở hữu khoảng 660 tỷ đồng, trong đó PVOIL mất 198 tỷ đồng, ITOCHU mất 339 tỷ đồng, LICOGI 16 mất 122 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định tính tới cuối năm 2018, Công ty OBF không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay lên đến hơn 1.600 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, tháng 6/2017, công ty này đã cố gắng vận hành lại nhà máy, tuy nhiên với giá sắn thực tế khoảng 6.100 đồng/kg, giá nhiên liệu E100 khoảng 15.000 đồng/lít thì OBF lỗ nặng khi sản xuất ethanol. Trong khi giá nhập khẩu nhiên liệu E100 tại TP.HCM khoảng 12.800 đồng/lít thì giá thành sản xuất nhiên liệu E100 của nhà máy ethanol Bình Phước khoảng 32.000 đồng/lít. Càng sản xuất càng lỗ nên Công ty OBF buộc phải dừng vận hành nhà máy không thời hạn.
Nhiều dấu hiệu bất thường
Cuối tháng 2/2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Công an làm rõ một số dấu hiệu bất thường tại dự án này theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để xử lý theo quy định.
Cụ thể, dự án có dấu hiệu bất thường trong quá trình thương thảo ký hợp đồng EPC có thể làm thất thoát khoản tiền 4,12 triệu USD do phát sinh chi phí đầu tư Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy (khoảng 1,19 triệu USD vốn nhà nước tương tứng với phần vốn góp của PVOil).
Theo đó, 2 nội dung quan trọng về làm rõ, thống nhất điều chỉnh các chỉ số COD, BOD (chỉ số đo mức độ ô nhiễm nước) đã bị xóa tại biên bản thương thảo hợp đồng ngày 23/2/2010. Quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã phê duyệt bổ sung giá hợp đồng EPC số tiền 4,12 triệu USD do điều chỉnh các chỉ số COD, BOD đầu vào của Hệ thống xử lý nước thải không đúng với các nội dung đã đàm phán, thống nhất trước đó có thể làm thất thoát vốn nhà nước 1,19 triệu USD tương ứng với phần vốn góp của PVOil.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cho hay: Qua kiểm tra hiện trường phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý hợp đồng, quản lý chất lượng công trình tại gói thầu xây dựng kho Đắk Nông.
Cụ thể, theo kết quả kiểm tra hiện trường, hạng mục nền bê tông kiểm tra 9 điểm thì chỉ có 1 điểm đạt chiều dầy thiết kế 10cm, còn lại là từ 3,5-8cm. Phần mái nhà kho không có tole nhựa lấy sáng theo thiết kế. Tuy nhiên, các hạng mục này vẫn được tư vấn giám sát và chủ đầu tư chấp thuận nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu.
Đáng chú ý, về chất lượng công trình nhà máy ethanol Bình Phước, sau kiểm toán đã phát hiện hàng loạt tồn tại về thiết bị lắp đặt nhà máy. Phần lớn thiết bị nhập ngoại do nhà thầu TTCL nhập về thi công không có chứng chỉ chất lượng của nhà sản xuất, không có chứng nhận về nguồn gốc, xuất xứ thiết bị làm cơ sở để Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, xác nhận chí phí đầu tư. Tổng giá trị các thiết bị lắp đặt tại nhà máy ethanol Bình Phước không rõ xuất xứ, chất lượng khoảng 40 triệu USD.
Cơ quan kiểm toán cũng phát hiện liên danh nhà thầu TTCL&PVE đã thay đổi xuất xứ 18 thiết bị, thay đổi nhà sản xuất 24 thiết bị so với danh mục xuất xứ đã cam kết trong hợp đồng EPC.
Theo phương án tài chính dự án, nhà máy ethanol Bình Phước sẽ trả hết nợ gốc và lãi vay vào năm 2020, sau 9 năm vận hành sản xuất theo kế hoạch. Tuy nhiên, ngân hàng tài trợ vốn dự án Agribank Bình Phước đã 2 lần gia hạn thời gian vay nợ gốc, nhưng Công ty OBF vẫn vi phạm thỏa thuận hợp đồng tín dụng, không trả nợ vay đúng hạn.
Theo Lương Bằng
VietnamNet