Fica
  1. Doanh nghiệp

Băng qua đại dịch Covid-19, những ngành nghề nào đang "hốt bạc"?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Số liệu thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 đối với 339 doanh nghiệp niêm yết có đến 53,1% doanh nghiệp vẫn giữ vững được đà tăng trưởng lợi nhuận từ năm 2019 - 2020 và 6 tháng đầu năm nay.

Trong báo cáo mới nhất về Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021 mà Vietnam Report vừa công bố, suốt 5 năm qua, ngành bất động sản - xây dựng, ngành tài chính và ngành thực phẩm - đồ uống vẫn luôn giữ vững vị trí là top 3 ngành có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất Bảng xếp hạng PROFIT500.

Trong khi nhóm ngành tài chính và ngành thực phẩm - đồ uống luôn ổn định và lần lượt dao động quanh mức 11% và 10% xuyên suốt giai đoạn 2017 - 2021 thì ngành bất động sản - xây dựng đã có bước nhảy vọt trong năm 2019 khi tăng mạnh từ 14,8% (năm 2018) lên mức 23,9% - chiếm gần 1/4 tổng số doanh nghiệp trong bảng.

Phân tích từ dữ liệu thống kê trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kép về lợi nhuận (CAGR) trung bình của tất cả các doanh nghiệp trong PROFIT500 là 10,12%. Trong đó, 7 ngành đạt chỉ số CAGR cao nhất và có đóng góp lớn cho sự tăng trưởng chung là: ngành thép (34,5%); ngành bán lẻ (17,5%); ngành tài chính (17,3%); ngành nông nghiệp (16%); ngành thực phẩm - đồ uống (11,9%); ngành hóa chất (11,7%) và ngành bất động sản - xây dựng (10,8%).

Đây cũng được xem là những ngành có tiềm năng tăng trưởng và góp phần tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Nếu xét theo quy tắc 70 (phép màu của tăng trưởng trong kinh tế học), ngành thép đạt được ngưỡng tăng trưởng 34,5%, tức chỉ cần 2 năm lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp ngành thép sẽ được nhân đôi (70/34,5). Tương tự các doanh nghiệp bán lẻ và tài chính mất khoảng 4 năm so với mức trung bình chung 7 năm (70/10,12) của toàn bộ doanh nghiệp PROFIT500 để đạt được quy mô lợi nhuận tăng lên gấp đôi.

Băng qua đại dịch Covid-19, những ngành nghề nào đang hốt bạc? - 1

Ngành thép dẫn đầu về tốc độ sinh lợi (Nguồn: VNR).

Hiệu quả sử dụng tài sản khối DNNN tụt mạnh

Báo cáo của Vietnam Report đánh giá, đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện từ năm 2020 đã gây ra không ít khó khăn đến tình hình sản xuất kinh doanh tại thị trường trong nước cũng như cản trở hoạt động xuất nhập khẩu tới các quốc gia khác.

Số liệu thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2021 đối với 339 doanh nghiệp niêm yết cho thấy có đến 53,1% doanh nghiệp vẫn giữ vững được đà tăng trưởng lợi nhuận trong suốt giai đoạn 2019 - 2020 và 6 tháng đầu năm nay.

Bên cạnh đó, 24,4% doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm nay. Đây là dấu hiệu tích cực cho biết các doanh nghiệp niêm yết trong PROFIT500 đã dần thích ứng với sự thay đổi của các điều kiện kinh doanh sau khi đại dịch xuất hiện.

Ngoài ra, 14,2% doanh nghiệp trong số này bị tăng trưởng chậm lại và ghi nhận mức lợi nhuận 6 tháng giảm so với cùng kỳ năm 2020. Còn lại, 8,3% doanh nghiệp thuộc nhóm phục hồi chậm với lợi nhuận giảm 2 kỳ liên tiếp - lợi nhuận năm 2020 giảm so với năm 2019 và 6 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước.

Năm nay, với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra trong một khoảng thời gian dài, cả 3 khu vực kinh tế đều chứng kiến sự suy giảm ROA (lợi nhuận/tổng tài sản) bình quân so với Bảng xếp hạng PROFIT500 năm trước.

ROA bình quân khu vực FDI giảm nhẹ từ 12,5% (năm 2020) xuống 12,4%. Khu vực kinh tế tư nhân ghi nhận ROA bình quân năm giảm còn 9,4% so với mức 9,8% của năm trước. Đặc biệt, khu vực Nhà nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi giảm từ 11,7% (năm 2020) xuống 8,4%, điều này đã khiến cho hiệu quả sử dụng tài sản của khối doanh nghiệp này bị tụt xuống mức thấp nhất so với hai khu vực kinh tế còn lại.

Đối với chỉ số ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) bình quân, khu vực FDI vẫn chiếm vị trí dẫn đầu trong 3 năm từ 2019 - 2021, lần lượt đạt 26,4%; 25,2% và 25,6%. Khu vực kinh tế Nhà nước đã có sự tăng trưởng vượt bậc khi bước sang năm 2020, ROE bình quân tăng mạnh từ 17,6% năm 2019 lên 23,6% và vươn lên chiếm vị trí thứ 2.

Trái ngược với khu vực Nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân có ROE bình quân giảm đáng kể từ 24,2% (năm 2019) xuống còn 20,8% (năm 2020) và là khu vực có hiệu quả sử dụng vốn thấp nhất.

Năm nay, vị trí của 3 khu vực này không có sự xáo trộn và ghi nhận xu hướng tăng nhẹ về chỉ số ROE bình quân. Cụ thể, khu vực FDI tăng từ 25,2% lên 25,6%, khu vực Nhà nước giữ nguyên ở mức 23,6% và khu vực tư nhân tăng từ 20,8% lên 21,1%. Đơn vị khảo sát đánh giá, đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy các doanh nghiệp đã sử dụng vốn hiệu quả hơn trước bối cảnh khó khăn chung của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Lợi nhuận quý III dự báo giảm đáng kể sau khi thăng hoa trong quý II

Xuất hiện trong Top 10 Bảng xếp hạng PROFIT500 năm nay có sự điểm mặt của nhiều ngân hàng lớn, điều này cho thấy lợi nhuận ngân hàng đã có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua. Cuối tháng 7, nhiều ngân hàng như: Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank, MBBank, HDBank, VIB… đều công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng mạnh, thậm chí có ngân hàng tăng gấp 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải cho điều này, các chuyên gia kinh tế cho biết nhiều tổ chức tín dụng hiện nay đã nâng cao được sức khỏe tài chính thông qua tăng vốn điều lệ, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II.

Song song với đó, nhiều ngân hàng đã tiết giảm chi phí hoạt động thông qua ngân hàng số và thanh toán điện tử. Với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, lượng tiền mặt trong lưu thông chủ yếu luân chuyển giữa các tài khoản tại ngân hàng giúp gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp. Nhờ đó, các tổ chức tín dụng có điều kiện tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào.

Nhìn chung, ngân hàng hoạt động tốt trong giai đoạn này là một tín hiệu tích cực. Lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế khi xảy ra khủng hoảng, sức khỏe ngành tài chính ngân hàng vẫn được giữ vững, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và có những đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.

Đối với nhóm doanh nghiệp phi tài chính, theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay của 281 doanh nghiệp niêm yết trong bảng PROFIT500 cho thấy lợi nhuận tăng bình quân 144,3% so với cùng kỳ năm trước.

Dù lợi nhuận toàn thị trường quý II tăng trưởng tích cực, nhưng đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 hết sức nguy hiểm và kéo dài trong nhiều tháng qua, lợi nhuận trong quý III được dự báo sẽ giảm đáng kể do các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng làm gián đoạn đà phục hồi.

Triển vọng tăng trưởng của nhiều ngành gặp thách thức lớn khi có ít nhất 70% nhà máy sản xuất ở miền Nam phải tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách. Đối với các nhà máy vẫn đang duy trì hoạt động phải đảm bảo theo mô hình "3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) và test Covid 3 ngày/lần… do đó chịu chi phí vận hành rất lớn và buộc phải giảm 40-50% công suất.

Trong thời kỳ dịch bệnh, chuyển đổi số được coi là "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp trước hàng loạt khó khăn, biến thách thức trở thành cơ hội.

Mai Chi