Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất siêu hơn 4,7 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là con số thể hiện những tín hiệu tích cực của thị trường, nhưng đồng thời cũng thể hiện nhiều thách thức cho ngành xuất nhập khẩu Việt Nam trong thời gian tới.
Trong hai tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 114 tỷ USD, tăng xấp xỉ 19% so với cùng kỳ 2023. Điều đáng nói, cán cân thương mại hàng hóa có sự chênh lệch lớn so với cùng kỳ, xuất siêu đạt hơn 4,7 tỷ USD.
Cụ thể, tính chung hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, còn kim ngạch nhập khẩu ước đạt 54,62 tỷ.
Theo các chuyên gia, xuất siêu tăng trưởng cao một phần nhờ các nước nhập khẩu gia tăng nhập hàng hóa Việt Nam trong hai tháng qua, giúp kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng hơn 19%. Trong đó 11 mặt hàng của Việt Nam ghi nhận xuất khẩu trên 1 tỷ USD, riêng 4 nhóm chủ lực của chúng ta là điện tử - máy tính - điện thoại và linh kiện - máy móc thiết bị và dệt may thu trên 5 tỷ USD.
Xuất siêu tăng trưởng cao một phần nhờ các nước nhập khẩu gia tăng nhập hàng hóa Việt Nam
Ông Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: "Xuất siêu tăng cao, chúng ta vẫn giữ được thị trường truyền thống và thị trường đầy tiềm năng trong xuất khẩu, đồng thời mở được thị trường mới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Điều này thể hiện doanh nghiệp năng động trong nắm bắt tín hiệu thị trường, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong đàm phán để tạo ra thị trường xuất khẩu chính ngạch cho hàng hóa Việt Nam".
Ngoài những điểm sáng, các chuyên gia còn lưu ý kim ngạch nhập khẩu tăng chậm hơn cũng phần nào cho thấy lượng đơn hàng xuất khẩu giai đoạn tới chưa thực sự phục hồi, trong bối cảnh sức mua toàn cầu chưa khả quan và nỗi lo lạm phát vẫn hiện hữu. Đại diện Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ đẩy mạnh những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nêu ý kiến: "Hỗ trợ các doanh nghiệp, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, thông qua việc đáp ứng quy tắc xuất xứ, hưởng ưu đãi từ hiệp định. Bên cạnh đó, vai trò của công tác xúc tiến Thương mại, đặc biệt, các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ triển lãm, tổ chức các đoàn ra cũng như đoàn vào cũng là hoạt động được Bộ Công Thương đẩy mạnh thời gian qua. Hiện nay, kênh phân phối qua thương mại điện tử cũng rất quan trọng".
Kinh tế thế giới chưa khởi sắc, căng thẳng địa chính trị và lạm phát sẽ là những yếu tố tác động đến chi phí logistics, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm những đơn hàng mới tiềm năng để không bị phụ thuộc vào chỉ một vài quốc gia nhập khẩu chính.