Fica
  1. Chứng Khoán

Xu thế dòng tiền: 1.000 điểm trong tầm tay, chốt lời hay nắm giữ?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

VN-Index đang tiến tới vùng điểm số trong dự kiến của các chuyên gia và bắt đầu xuất hiện những quan điểm khác nhau trong ngắn hạn...

VN-Index đang tiến tới vùng điểm số trong dự kiến của các chuyên gia và bắt đầu xuất hiện những quan điểm khác nhau trong ngắn hạn.

Thị trường tuần qua đã giảm tốc ở những phiên cuối nhưng vẫn có triển vọng cao đi vào vùng 1.000 - 1.010 điểm như các chuyên gia dự kiến từ trước. Các chuyên gia cho rằng khi tiến tới vùng kháng cự tâm lý mạnh, thị trường chậm lại và phân hóa là điều bình thường do áp lực chốt lời khác nhau.

Bản thân các chuyên gia cũng đang có những quan điểm không giống nhau. Có ý kiến cho rằng thị trường sẽ có thêm vài phiên tăng tiếp để hướng tới mốc 1.000 điểm và tâm lý thận trọng lo ngại xuất hiện nên có thể giảm tỷ trọng cổ phiếu ngắn hạn xuống và chờ các tín hiệu mới. Tuy nhiên các nhà đầu tư dài hạn có thể gia tăng tỷ trọng.

Cũng có quan điểm phụ thuộc vào cổ phiếu nắm giữ, vì có thể dư địa tăng của chỉ số không còn nhiều, nhưng hiện tượng phân hóa lại đem tới các cơ hội khác nhau.

Đánh giá về các rủi ro liên quan đến các leo thang căng thẳng thương mại và khả năng tăng lãi suất USD sắp tới, các chuyên gia khá thống nhất cho rằng những thông tin như vậy sẽ không còn gây sốc như trước vì đều nằm trong dự kiến của thị trường. Trong trường hợp điều chỉnh, thị trường sẽ chỉ điều chỉnh bình thường vì có nền tảng tích lũy tốt trước đó.

Xu thế dòng tiền: 1.000 điểm trong tầm tay, chốt lời hay nắm giữ? - Ảnh 1.

 

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Thị trường đã nối lại đà tăng trong tuần này và mốc 1.000 điểm gần hơn bao giờ hết khi VN-Index đã 2 lần tiến sát 890 điểm. Đã có một số khuyến cáo chốt lời cho khoảng cách hơn 10 điểm còn lại và quả thực tốc độ tăng đã chậm lại ở những ngày cuối tuần, quan điểm của anh chị thì sao? Anh chị đánh giá thế nào về diễn biến đó?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên Cứu Phân Tích, Chứng khoán Vietinbank

Tốc độ tăng của VN-Index đã chậm lại đáng kể trong hai phiên giao dịch cuối tuần mà theo đánh giá của chúng tôi là do một số nguyên nhân sau:

(1) Tâm lý nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin tích cực từ cuộc gặp trung cấp Mỹ - Trung liên quan tới căng thẳng thương mại giữa hai bên khiến cho dòng tiền tham gia thị trường vẫn chưa thực sự quyết liệt;

(2) VN-Index đã có 6 phiên tăng điểm liên tiếp kể từ mức 961.37 điểm nên có một hoặc hai phiên "nghỉ ngơi" là điều cần thiết;

(3) nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò trụ đỡ của thị trường đang ở trong vùng cản tương đối mạnh do áp lực bán chốt lời tại vùng điểm 990 là khá lớn.

Tổng hợp các nguyên nhân trên, chúng tôi cho rằng mức tăng chậm lại của VN-Index trong hai phiên giao dịch cuối tuần vừa qua là khá hợp lý và cần thiết.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới hội sở chính, Chứng khoán VCBS

VN-Index đã thành công vượt qua ngưỡng 980 điểm tuy nhiên thanh khoản không thay đổi, nhưng điểm tích cực là dòng tiền đã lan tỏa sang nhiều nhóm ngành khác nhau khiến  18/20 nhóm ngành đều tăng trong tuần. Nhóm cổ phiếu nhỏ duy trì mức tăng mạnh nhất trong tuần này, đạt 3.7%.

Xu hướng lan tỏa dòng tiền cùng với sự hồi phục của nhóm ngân hàng sẽ trợ giúp VN-Index tiệm cận ngưỡng 1000 điểm trong tuần tới.

Theo chúng tôi các chỉ báo kỹ thuật vẫn ở xu hướng tích lũy tăng với mục tiêu tăng điểm trước mắt là 1.000 điểm, nơi hội tụ nhiều lực cản quan trọng như MA200.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Theo quan điểm của tôi, thị trường vẫn tiếp tục tăng theo xu hướng sideway up. Mốc 1.000 điểm chỉ là mốc tâm lý, thị trường vẫn có thể tiến tới các mốc điểm cao hơn.

Hiện tại, xét về mặt chỉ số, thì có vẻ lợi nhuận không còn nhiều, nhưng xét về phân lớp cổ phiếu thì cơ hội vẫn rất nhiều. Dòng tiền phân hóa qua nhiều dòng cổ phiếu khác nhau. Dòng cổ phiếu ngân hàng đã giúp thị trường vượt qua mốc kháng cự 980 điểm, và đi vào trạng thái tích lũy, dòng tiền lại tiếp tục luân chuyển sang dòng dầu khí. Điều này cho thấy, dòng tiền vẫn ở lại thị trường và tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Việc các nhà đầu tư trên thị trường có tâm lý thận trọng và lo ngại khi Vn-Index đang tiệm cận ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm là điều có thể hiểu được. Hành động hạ tỷ trọng và chờ đợi những tín hiệu xu hướng rõ ràng hơn của thị trường là việc cần làm.

Mặc dù vậy, theo quan điểm cá nhân tôi vẫn kỳ vọng rằng  thị trường có thể sẽ sớm tiếp cận mốc 1.000-1.010 điểm trong một vài tuần kế tiếp.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường đầu tuần có sự tăng điểm tích cực vào phiên ngày 21/8 giúp đường giá bật qua đường MA20 củng cố xu hướng tăng trong ngắn hạn. Hai phiên cuối tuần thị trường giằng co khá quyết liệt kiến cho đà tăng đã chậm lại, thị trường trong tuần qua có thể nói là đang tích lũy với xu hướng đi lên và phân hóa khá mạnh.

Các cổ phiếu có tính chất đầu cơ đang có chiều hướng tăng dần khá tích cực. Đồng thời, nhóm cổ phiếu Largecaps đang rơi vào trạng thái tích lũy và biến động hẹp cho nên nhóm cổ phiếu này sẽ còn xuất hiện các nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh nhẹ trong phiên, còn nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps đang bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực.

Đối với nhà đầu tư ưu thích lướt sóng có thể xem xét chốt lời và điều chỉnh danh mục tại vùng giá hiện tại và cơ cấu lại danh mục cổ phiếu. Trong khi đôi với nhà đầu tư dài hạn thì những nhịp rung lắc lại là cơ hội tốt để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu.

Xu thế dòng tiền: 1.000 điểm trong tầm tay, chốt lời hay nắm giữ? - Ảnh 2.

 

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Một trong những yếu tố tác động tích cực lên thị trường tuần qua là khả năng giảm căng thẳng thương mại thông qua đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên kết quả đã không có gì mới và căng thẳng lại leo thang lên một nấc mới bằng hành đồng đánh thuế bổ sung vào ngày 23/8. Dự kiến cuối tháng 8 Mỹ sẽ quyết định có áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa hay không. Mặt khác FED cũng có thể tăng lãi suất lần nữa. Liệu những diễn biến đó có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Các yếu tố trên đã phần nào nằm trong dự đoán của giới đầu tư, đồng thời cũng đã ít nhiều được phản ánh vào diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần qua. Do vậy, tôi cho rằng, các mối lo ngại này sẽ không còn tạo ra ảnh hưởng đáng kể đối với diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, đây vẫn là các yếu tố rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường mà nhà đầu tư cần phải theo dõi sát sao trong thời gian tới.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm khi FED tăng lãi suất dẫn đến sự rút ròng vốn ngoại ở các thị trường mới nổi trong đó có Việt nam. Theo tôi tỷ giá tăng là yếu tố bất lợi ngắn hạn cho thị trường.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Những thông tin tiêu cực về chiến tranh thương mại giữa Mĩ và Trung Quốc được đưa ra khá nhiều trong thời gian vừa qua và những thông tin này pần lớn đều đã phản ánh vào giá cổ phiếu trong đợt sụt giảm sâu vừa qua.

Việc FED liên tục tăng lãi suất từ đầu năm đến nay gây tác động bởi dẫn tới việc liên tục bán ròng của khối ngoại tuy nhiên nếu tính chung từ đầu năm tại thị trường Việt Nam vẫn đang mua ròng. Bởi vậy nhiều khả năng căng thẳng thương mại cũng như việc FED tăng lãi suất sẽ chỉ còn có tác động trong ngắn hạn gây ra những nhịp điều chỉnh trên thị trường và khó có thể gây ảnh hưởng quá tiêu cực đến thị trường Việt Nam.

Xu thế dòng tiền: 1.000 điểm trong tầm tay, chốt lời hay nắm giữ? - Ảnh 3.

 

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Việc vòng đàm phán gần đây nhất giữa Mỹ - Trung về vấn đề căng thẳng thương mại không có tiến triển tích cực là điều mà phần lớn giới phân tích đã dự đoán được từ trước. Tình trạng tương tự cũng xảy ra như vậy với việc khả năng FED nâng lãi suất trong tháng 9 tới là gần 90% - cũng là điều đã được dự đoán từ trước.

Chính vì vậy hai yếu tố này theo nhận định của chúng tôi sẽ không gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng nào tới thị trường chứng khoán trong các phiên giao dịch tới do đã được phản ánh từ trước đó qua các phiên điều chỉnh giảm điểm mạnh vừa qua.

Mặt khác, việc Mỹ quyết định nâng mức áp thuế lên 200 tỷ USD lên hàng hóa của Trung Quốc trong cuối tháng 8 cũng không thực sự gây ra thêm ảnh hưởng tiêu cực nào lên tình hình vĩ mô thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng.

Nguyên nhân là do hiện Trung Quốc vẫn đang tỏ ra có lợi thế hơn về cán cân thương mại so với Mỹ nếu xét trên quan điểm thương mại song phương giữa hai nước nhờ việc phá giá đồng CPY khá mạnh 5.84% kể từ đầu năm 2018 trong khi đồng USD tiếp tục có chiều hướng mạnh lên. Do đó, động thái này của Mỹ theo nhìn nhận của chúng tôi chỉ đơn thuần là một nước đi nhằm "san bằng" lại tỷ số với Trung Quốc.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tôi vẫn đánh giá quan điểm là căng thẳng thương mại sẽ tiến tới một thỏa thuận có lợi cho Mỹ, chứ không theo hướng tích cực. Vì suy cho cùng, cả 2 bên đều thấy rõ nếu thực sự 2 nước tiến tới một cuộc chiến tranh thương mại thực sự thì cả 2 đều bị tác động rất tiêu cực, trong đó, kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn.

Việc FED tăng lãi suất đã nằm trong lộ trình nên việc này sẽ không còn tác động theo hướng tiêu cực nữa.

Xét về góc độ thông tin, tháng 9 chúng ta sẽ có kỳ cơ cấu quý 3 của 2 ETFs, và vùng trũng thông tin, nên thị trường theo tôi sẽ bắt đầu tích lũy trở lại trong tháng 9 và chờ đợi kết quả kinh doanh quý 3.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Dưới góc độ kỹ thuật, anh chị có đánh giá cao cơ hội thị trường vượt ngưỡng 1.000 điểm như đã dự kiến hay không? Trong kịch bản thị trường điều chỉnh ngắn hạn, khả năng điều chỉnh giảm ở mức độ nào?

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường có ngưỡng cản tâm lý quanh 1.000 điểm rất mạnh. Do đó, VN-Index sẽ có khả năng giảm khi chạm ngưỡng tâm lý trên và điều chỉnh trước tiên về ngưỡng hỗ trợ MA20 tương đương 968 điểm.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

CTS nhận định VN-Index vẫn chưa thực sự sẵn sàng để chinh phục lại ngưỡng điểm tâm lý 1,000 trong cuối tháng 8 do thị trường hiện vẫn đang thiếu vắng sự hỗ trợ từ dòng tiền lớn của khối ngoại trong bối cảnh xu hướng bán ròng vẫn đang là chủ đạo cộng hưởng với việc dòng tiền nhà đầu tư nội hiện vẫn chưa tạo được tính ổn định cũng như liên tục để có thể nâng đỡ thị trường.

Bên cạnh đó, trên quan điểm phân tích kỹ thuật, các chỉ số vẫn đang trong tình trạng khá cân bằng với trạng thái chủ yếu là tích lũy chờ đợi thông tin mới. Mặc dù xu hướng ngắn hạn qua một vài phiên giao dịch gần đây đang có chiều hướng nghiêng về bên mua nhưng tình trạng này có khả năng cao sẽ đảo ngược với lợi thế về bên bán trong bối cảnh có khá nhiều cổ phiếu trụ và vốn hóa lớn hiện đang ở vùng cản khá mạnh sau chuỗi ngày tăng liên tiếp.

Ngoài ra, VN-Index liên tiếp đóng cửa với thân nến ngắn cùng với bóng nến trên và dưới có độ dài tương đương nhau cho thấy sự giằng co khá cân bằng trong tương quan cung - cầu giữa bên bán và mua. Tâm lý nhà đầu tư đang tỏ ra lưỡng lự khi bên mua chưa thực sự dứt khoát do lo ngại căng thẳng thương mại có chiều hướng gia tăng cùng với động thái giao dịch khó lường của khối ngoại.

Diễn biến thị trường trong phiên giao dịch tới sẽ khá quan trọng và có thể quyết định xu hướng của VN-Index trong cuối tháng 8. Nếu bên mua không tỏ ra dứt khoát hơn để có thể kéo được thị trường bứt phá thì khả năng cao một phiên điều chỉnh giảm điểm có thể xẩy ra và Vn-Index sẽ phải kiểm tra lại các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn.

Tuy nhiên, đường MACD > 0 và dải Bollinger đang hướng dần lên trên với biên độ thu hẹp lại cũng cho tín hiệu khá lạc quan với rủi ro giảm sâu là không quá lớn và nếu có giảm thì phục hồi lại cũng khá nhanh tại ngưỡng hỗ trợ mạnh 955 điểm – điểm giao nhau của đường MA50 và đường trung bình của dải Bollinger.

Xu thế dòng tiền: 1.000 điểm trong tầm tay, chốt lời hay nắm giữ? - Ảnh 4.

 

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Trên góc độ kĩ thuật, tôi vẫn danh giá thị trường sẽ có 1 phiên bùng nổ để chỉ số vượt mốc tâm lý 1.000 điểm. Trong trường hợp thị trường điều chỉnh ngắn hạn, thì mốc đệm 945-950 điểm sẽ là hỗ trợ rất tốt của thị trường.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường hiện tại dưới góc độ kĩ thuật thì ngưỡng kháng cự tiếp theo là 1.015 điểm sau khi thị trường vượt qua mốc 980 điểm. Nhiều khả năng trong bối cảnh thiếu thông tin tích cực hỗ trợ và căng thăng thương mại quốc tế thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh khi chạm ngưỡng kháng cự này.

Nếu như xảy ra điều chỉnh thị trường có thể sẽ về lại ngưỡng 960 điểm. Đây có thể nói là một nền tích lũy khá vững chắc đã được tạo ra trong thời gian vừa qua.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Về mặt kỹ thuật, tôi tin vào kịch bản thị trường có thể sớm vượt qua ngưỡng cản 1.000 điểm để hướng đến vùng kháng cự mạnh hơn năm tại 1.040-1.060 điểm trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, ngắn hạn hơn, thị trường có thể sẽ vẫn cần thời gian tích lũy, thậm chí có thể điều chỉnh về vùng hỗ trợ 970-975 điểm, trước khi tiếp tục quá trình đi lên.

Xu thế dòng tiền: 1.000 điểm trong tầm tay, chốt lời hay nắm giữ? - Ảnh 5.

 

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Cổ phiếu tuần qua nhìn chung là tăng ít và số giảm nhiều hơn tăng. Đó có thể do hành động chốt lời ngắn hạn. Anh chị đã giảm tỷ trọng chưa?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Hiện tôi đã giảm tỷ trọng ở dòng cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, tôi vẫn nhìn thấy cơ hội đầu tư ở 1 số cổ phiếu tăng trưởng tốt như REE, HPG. Một dòng cổ phiếu nữa tôi nghĩ nhà đầu tư cũng nên xem xét đó là dòng cổ phiếu chứng khoán với các cổ phiếu top đầu như SSI, HCM, VND, MBS.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường vẫn ở trong xu hướng tăng ngắn hạn do đó chúng tôi vẫn nắm giữ danh mục.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi vẫn duy trì tỷ trọng danh mục tổng của mình ở mức 80% cổ phiếu (trong đó, phần danh mục ngắn hạn chiếm 60%).

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi vẫn giữ nguyên tỉ trọng so với tuần trước khi danh mục ngắn hạn giữ tỉ trọng ở mức  57% cổ phiếu 43% tiền mặt, trong khi danh mục dài hạn tối giữ tỉ trọng ở mức  32% cổ phiếu và 68% tiền mặt.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Nhà đầu tư có thể tận dụng xu hướng tăng giá ngắn hạn luôn phiên làm trụ đỡ thị trường của nhóm ngân hàng và vốn hóa lớn. Tỷ trọng danh mục đầu tư có thể duy trì ở mức 45% - 50% và nên ưu tiên những cổ phiếu có thanh khoản cao cũng như đang thu hút được dòng tiền - top 10 mã vốn hóa lớn cũng như các ngân hàng hàng đầu đồng thời nên mạnh dạn thực hiện cắt lỗ nếu VN-Index có dấu hiệu đảo chiều và thoái lui xuống dưới mức 970.

Nhà đầu tư dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại ở mức 40 - 45% đồng thời có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục hiện có.

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconomy