Tài sản của tỷ phú Thái bị ảnh hưởng đáng kể do diễn biến tiêu cực của cổ phiếu trên sàn chứng khoán phiên đầu năm
Ngay trong phiên giao dịch khởi đầu năm mới 2019, cổ phiếu SAB của Sabeco đã diễn biến bất lợi và giảm sàn về 248.800 đồng vào đầu phiên trước khi hồi phục về mức 252.000 đồng, rút ngắn biên độ giảm còn 15.500 đồng (tương ứng giảm 5,8%) vào thời điểm kết thúc phiên giao dịch sáng 2/1.
Thanh khoản tại mã này khá thấp, với chưa đầy 15.000 cổ phiếu được khớp lệnh. Trước đó, mã này cũng chỉ được giao dịch với khối lượng vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.
Giá cổ phiếu Sabeco giao dịch bất lợi sau thông tin “ông lớn” số 1 trong ngành bia Việt Nam đang bị Cục thuế TPHCM phong tỏa tài khoản, cưỡng chế thu hồi 3.140 tỷ đồng tiền thuế và tiền chậm nộp vào ngày 28/12/2018.
Trong thông báo của Sabeco đến cổ đông và nhà đầu tư, CEO của hãng bia này đã có phản ứng mạnh khi cho rằng Cục thuế TPHCM đã “vi phạm pháp luật” khi cưỡng chế thi hành mà chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực và hành động cưỡng chế của cơ quan này là mâu thuẫn với chính hướng dẫn bằng văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và của chính Cục thuế TPHCM.
Lãnh đạo Sabeco vẫn nhất mực khẳng định tổng công ty này không có bất kỳ hành vi sai phạm nào trong việc kê khai, tính và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng như khẳng định đã luôn thực hiện đúng hướng dẫn bằng văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục thuế TPHCM trong những năm qua về vấn đề này.
Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ vụ việc ồn ào này đó là việc đại diện Cục Thuế TPHCM – ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết, các tài khoản của Sabeco mà cơ quan thuế nắm được đều không còn tiền. Do vậy, Cục Thuế thành phố chỉ tạm thời phong tỏa các tài khoản này. Phía Cục Thuế TPHCM cũng đã có làm việc với Sabeco yêu cầu cung cấp tài khoản nhưng đến nay Sabeco chưa cung cấp thêm tài khoản khác.
Việc SAB giảm mạnh đã khiến giá trị tài sản trên sàn chứng khoán Việt Nam của “ông chủ” người Thái – tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi giảm tới 5.326,5 tỷ đồng trong sáng đầu năm.
Không những thế, tình trạng giảm giá tại mã này cũng đã lấy đi của chỉ số chính VN-Index tới 3,07 điểm. Mặc dù vậy, chỉ số VN-Index trong sáng nay vẫn đạt được mức tăng 3,01 điểm tương ứng 0,34% lên 895,55 điểm bất chấp đang có tới 133 mã giảm, 9 mã giảm sàn so với 110 mã tăng, 7 mã tăng trần.
Chỉ số VNIndex tăng giá nhưng số mã giảm vẫn đang chiếm ưu thế trên sàn HSX
Đà tăng tại VN-Index đạt được nhờ lực kéo của một số “đầu tàu” như VIC, VNM, PLX, VRE… Trong đó, với việc tăng mạnh 5.100 đồng, cổ phiếu VIC đã đóng góp cho VN-Index tới 5,03 điểm, và VNM cũng đóng góp trên 1,45 điểm cho chỉ số khi tăng 2.700 đồng.
Ở chiều ngược lại, ngoài SAB giảm giá thì phiên giao dịch sáng đầu năm cũng chứng kiến tình trạng sụt giảm tại một số mã khác như BID, ROS, NVL, VJC, VPB, HDB…
Trên HNX, do có 48 mã giảm, 9 mã giảm sàn so với 31 mã tăng và 16 mã tăng trần, chỉ số HNX-Index đánh mất 0,81 điểm tương ứng 0,78% còn 103,42 điểm.
Sáng nay, toàn thị trường có tới 950 mã cổ phiếu không hề diễn ra giao dịch. Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp, chỉ đạt 47,4 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương ứng 1.030,77 tỷ đồng và 10,7 triệu cổ phiếu giao dịch trên HNX tương ứng 153,03 tỷ đồng.
Tính ra, tổng thanh khoản trên toàn thị trường chỉ đạt chưa đầy 1.300 tỷ đồng với khoảng 61,4 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.
Mai Chi