Đà tăng trên thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục được duy trì trong phiên chiều qua (4/8). Áp lực bán giảm và dòng tiền mạnh dạn hơn đã giúp các chỉ số diễn biến tích cực hơn trong những phút cuối phiên.
Đóng cửa, VN-Index tăng 12,92 điểm tương ứng 1,59% lên 827,57 điểm; HNX-Index tăng 2,08 điểm tương ứng 1,88% lên 112,5 điểm và UPCoM-Index tăng 0,39 điểm tương ứng 0,7% lên 55,89 điểm.
Thanh khoản đạt 277,44 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng giá trị giao dịch 4,179,04 tỷ đồng và 39,67 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 400,97 tỷ đồng. Trên UPCoM, khối lượng giao dịch đạt 14,16 triệu cổ phiếu tương ứng 183,77 tỷ đồng.
Cổ phiếu CAB của VTVCab là một trong những mã không có thanh khoản trong phiên
Sắc xanh giữ gam màu chủ đạo trong bức tranh thị trường với 553 mã tăng giá, 67 mã tăng trần so với 174 mã giảm và 20 mã giảm sàn.
Không một mã nào trong rổ VN30 giảm giá. Chỉ có 2 mã đứng giá là REE và SBT, còn lại đều tăng. VCB tăng mạnh 3.100 đồng lên 81.900 đồng/cổ phiếu; SAB tăng 2.200 đồng lên 171.200 đồng đồng; VNM tăng 2.1000 đồng lên 111.300 đồng; MSN tăng 1.400 đồng lên 54.000 đồng; BID tăng 700 đồng lên 37.900 đồng.
Trong số này, VCB và VNM là hai mã có tác động mạnh nhất đến diễn biến VN-Index. Trong mức tăng chung của chỉ số, VCB đóng góp 3,27 điểm và VNM đóng góp 1,04 điểm. Kế đến là BID, GAS, VHM…
HQC hôm qua tăng trần lên 1.580 đồng và được khớp lệnh rất mạnh, lên tới 22,11 triệu cổ phiếu nhưng vẫn đang còn dư mua giá trần hơn 1,1 triệu đơn vị. Còn ITA cũng tăng trần lên 4.100 đồng, khớp 12,7 triệu đơn vị, chủ yếu dư bán giá trần.
Chiều ngược lại, HPGX, CAV, HNG, DBC, PME… giảm giá, tuy vậy, mức tác động từ những mã cổ phiếu này là không đáng kể.
Trên sàn HNX, ACB, SHB cùng tăng giá đã lượt mang lại cho HNX-Index 0,81 điểm và 0,72 điểm. Ngoài ra, S99 và OCH tăng trần cũng ảnh hưởng tích cực lên chỉ số sàn Hà Nội. Ngược lại, DNM vẫn bị chịu áp lực bán mạnh, giảm sàn xuống 65.800 đồng, trắng bên mua và dư mua giá sàn rất lớn.
Điểm tiêu cực là trong phiên này, khối nhà đầu tư ngoại bất ngờ bán ròng trở lại với giá trị 132 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng 4,8 triệu cổ phiếu.
Trong đó, trên HSX, khối nhà đầu tư này rút ròng hơn 114 tỷ đồng, tập trung vào SAB với hơn 66 tỷ đồng, HDG và VHM. Ngược lại, mua ròng tại NVL 13,8 tỷ đồng, VCB, MSN cũng được mua tốt.
Trên thị trường ngày hôm qua vẫn còn có tới 851 mã không có giao dịch nào, trong đó có CAB của VTVCab. Mã này suốt một thời gian dài hầu như chết thanh khoản trong khi thị giá lại neo lại ở mức cao 140.900 đồng.
Trong quý 2 vừa rồi, mặc dù là quý khó khăn với nền kinh tế nhưng công ty này vẫn có kết quả tăng mạnh. Tuy doanh thu thuần giảm nhẹ 2,3% so với cùng kỳ, đạt 559,3 tỷ đồng nhưng nhờ giá vốn giảm sâu 17,3% nên VTVCab vẫn có lãi sau thuế 29,4 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ và lãi ròng thuộc về công ty mẹ 28,8 tỷ đồng, tăng gấp 6 so với quý 2/2019.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, VTVCab đạt doanh thu 1.082,9 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ nhưng lãi thuần tăng 113% cùng kỳ lên 48,8 tỷ đồng, lãi sau thuế 49,1 tỷ đồng tăng 242% và lãi ròng tăng 412% lên 47,5 tỷ đồng.
Về triển vọng thị trường phiên hôm nay, hầu hết giới phân tích đều tỏ ra nghi ngại. Theo nhận xét của Chứng khoán BIDV (BSC), thanh khoản thị trường không thay đổi nhiều so với phiên hôm trước, độ rộng thị trường ở trạng thái tích cực cho thấy tâm lý giao dịch lạc quan đang được củng cố khá tốt.
BSC đánh giá, việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khi chỉ số kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 825 là một động thái cần lưu tâm và nhiều khả năng VN-Index sẽ chưa thể bứt phá cao hơn trong những phiên tới.
Còn theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các chỉ số chính đang có nhịp hồi phục ấn tượng trong những ngày vừa qua. Hầu hết những cổ phiếu trên thị trường đều đồng loạt tăng giá tích cực.
Tuy nhiên, với mức tăng mạnh vừa xảy ra sẽ xuất hiện những nhịp điều chỉnh điều tiết thị trường. Do vậy, các nhà đầu tư được khuyến nghị có thể canh lướt sóng các cổ phiếu trong danh mục hoặc có thể chờ đợi nhịp điều chỉnh của thị trường để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu.
Mai Chi