“Phải thấy rõ cơ hội mới giải ngân”
Tháng 11, dòng tiền vào các thị trường chứng khoán mới nổi tăng mạnh, chủ yếu được nâng đỡ bởi kỳ vọng lạm phát đạt đỉnh tại Mỹ, từ đó Ngân hàng Trung ương nước này sẽ giảm dần tốc độ tăng lãi suất và tỷ giá USD hạ nhiệt. Thực tế, chỉ số DXY cũng đã giảm 5% trong tháng 11.
Đồng USD yếu đi giúp dòng vốn chuyển hướng vào thị trường mới nổi, trong khi đó câu chuyện Trung Quốc đang nới lỏng chính sách phòng chống dịch Covid-19 giúp dòng tiền chảy mạnh vào các thị trường chứng khoán trong khu vực châu Á như Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Thống kê từ SSI Research cho biết, trong tháng 11, dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu vào ròng 6,5 tỷ USD, còn dòng vốn vào các quỹ châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) vào ròng 9,6 tỷ USD. Tính chung 11 tháng, phân bổ dòng tiền chủ yếu vẫn vào các quỹ cổ phiếu (tăng 207 tỷ USD), trong khi đó các quỹ trái phiếu rút ròng 252 tỷ USD. Tại thị trường Việt Nam, nhịp giảm rất sâu trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 cũng kích hoạt dòng vốn ngoại giải ngân.
Dòng tiền lan toả rộng ở các quỹ ETF, trong đó, Quỹ Fubon ghi nhận dòng vốn tăng thêm trong tháng 11 là 2.722 tỷ đồng, VNDiamond tăng thêm 1.952 tỷ đồng, VanEck tăng thêm 972 tỷ đồng, VFM VN30 tăng 689 tỷ đồng, VNFIN Lead tăng 468 tỷ đồng và FTSE Vietnam tăng 54 tỷ đồng. Cũng có 2 quỹ bị rút ròng nhưng giá trị không đáng kể, là Mirae Asset VN30 (bị rút 166 tỷ đồng) và Premia Vietnam (bị rút 46 tỷ đồng).
Tổng giá trị vào ròng của các quỹ ETF đạt tới 6.981 tỷ đồng là giá trị cao nhất ghi nhận kể từ tháng 4/2021. Lũy kế từ đầu năm tới cuối tháng 11, dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục là 18.849 tỷ đồng, vượt xa giá trị 13.522 tỷ đồng của cả năm 2021.
Dòng tiền từ các quỹ đầu tư chủ động cũng đồng loạt giải ngân trong tháng 11, tổng giá trị ghi nhận gần 900 tỷ đồng, cũng là mức cao nhất từ tháng 12/2019. Theo đánh giá của bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên viên phân tích vĩ mô, Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI, tín hiệu tích cực từ các quỹ chủ động là cường độ giải ngân khá đồng đều, bao gồm cả các quỹ nội và quỹ ngoại và trải dài xuyên suốt tháng 11.
Tổng kết 11 tháng đầu năm, khối ngoại đã mua ròng 16.900 tỷ đồng trên cả ba sàn. Động thái mua ròng của khối ngoại góp phần không nhỏ trong việc nâng đỡ thị trường và trái ngược hoàn toàn với diễn biến bán ròng 19.000 tỷ đồng trong tháng 11 của khối nhà đầu tư cá nhân trong nước (trong đó có áp lực bán force sell tài khoản lớn là lãnh đạo doanh nghiệp).
Trong chương trình talkshow “Chọn danh mục” phần 2 do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua với chủ đề “Lực đỡ vốn ngoại”, vấn đề trên cũng được nêu ra cho các chuyên gia. Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BSC không trả lời ngay, mà kể một câu chuyện rất đáng lưu tâm.
Ông Quan Đức Hoàng và ông Trần Thăng Long (Ảnh: BTC). |
Theo đó, một nhà đầu tư Ấn Độ chia sẻ rằng, thị trường chứng khoán Ấn Độ phát triển rực rỡ, mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư nhưng phần lớn những cổ phiếu đó được nắm giữ bởi những người rất giàu, hoặc bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Phần đông dân số Ấn Độ không được hưởng lợi từ sự phát triển của thị trường chứng khoán, đó là điều rất đau lòng với nhà đầu tư này.
“Có thể ta vẫn làm tốt việc của mình, nhưng chưa đủ sức để có thể giúp cho nhiều người cùng nhận ra”, ông Long dẫn lời nhà đầu tư này.
Ông Long cho biết, khi thị trường chứng khoán trong nước giảm sâu, ông có trò chuyện với khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài và ghi nhận rằng, vì đã trải qua nhiều đợt thăng trầm của thị trường rồi nên họ không thấy có vấn đề gì, thậm chí họ cho rằng mỗi lần khủng hoảng lại tạo ra cơ hội rất lớn cho những người có sự chuẩn bị.
Cũng theo ông Long, “họ phải thấy cơ hội thực sự thì mới quyết định giải ngân”.
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ thì cho biết rất “đau lòng” với con số 19.000 tỷ đồng bán ròng của khối nhà đầu tư cá nhân.
“Dĩ nhiên, có người mua thì phải có người bán. Giai đoạn Covid mới xuất hiện, chúng ta có hàng triệu tài khoản mở mới, những nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường, những người này bị thiệt hại nhiều nhất khi thị trường giảm 45%. Họ hầu như bán ra, các doanh nghiệp thì bắt đầu mua trở lại”, ông Hoàng nhìn nhận.
Theo ông Hoàng, lạm phát đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, quan trọng là thị trường lao động Mỹ bắt đầu khó khăn. Mới đây, một ngân hàng rất lớn của Mỹ với hơn 80.000 nhân viên đã cắt giảm 1.600 nhân sự. Những công ty công nghệ như Meta, Apple, Google, Twitter đều cắt giảm mạnh nhân sự. Việc cắt giảm lao động trước mùa lễ Tết cho thấy khó khăn của doanh nghiệp.
Thị trường Việt Nam cũng tương tự, có những thông tin trên thị trường lao động khiến nhiều người lo lắng, nhưng theo chuyên gia này, “điều cần nhìn thấy là lạm phát đang giảm, lãi suất sẽ giảm và nền kinh tế bắt đầu hồi phục và trong những thông tin xấu về thị trường lao động, những thông tin vĩ mô này chính là thông điệp cho nhà đầu tư chuyên nghiệp tin rằng thị trường đâu đó đã có đáy”.
“Tất nhiên, đây là cơ hội của nhiều thập kỷ, chứ không chỉ năm nay. Tôi nghĩ nhà đầu tư Việt Nam nếu ai vẫn còn tiền ở bên ngoài thì cứ mua dần những doanh nghiệp mà mình thích, am hiểu”, ông Hoàng nói.
Nhận diện cơ hội
Nêu lên thực tế có quan điểm cho rằng dòng tiền của quỹ là thông minh và hành động, Chủ tịch Quỹ A+ khuyến nghị, nhà đầu tư cần nhớ các quỹ dù lớn bao nhiêu cũng do con người điều hành, vì vậy có lúc đúng lúc sai. Nhà đầu tư hãy tỉnh táo, phân tích kỹ lưỡng và đầu tư vào doanh nghiệp mà mình am hiểu. Nếu không đủ thời gian nghiên cứu thì hãy để chuyên gia đầu tư cho mình, qua các quỹ sẽ tốt hơn rất nhiều.
“Sau cơn mưa, trời sẽ sáng trở lại, chúng ta sẽ thấy những dòng tiền xanh và thậm chí thị trường có thể mong đợi thêm màu tím”, ông Hoàng nói.
Ông Hoàng đưa một thông tin đáng chú ý, tổng giá trị hay tài sản quản lý trong ngành quản lý quỹ của Việt Nam đến nay vào khoảng 20 - 21 tỷ USD/quy mô GDP Việt Nam là trên 400 tỷ USD, tức khoảng 5%, trong khi các thị trường lân cận như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, tỷ lệ này nằm trong ngưỡng 35 - 45%. Riêng thị trường Singapore, tỷ lệ này là 1.300%.
“Rõ ràng, thị trường chứng khoán Việt Nam còn dư địa phát triển rất lớn, kể cả tỷ lệ vốn đầu tư của các quỹ trên GDP lên đến 10% của GDP thì sẽ khoảng 45 tỷ USD. Đến năm 2030, GDP Việt Nam dự kiến 600 - 700 tỷ USD, kể cả 10% là 60 tỷ USD tham gia vào thị trường trực tiếp thì cơ hội rất rõ nét”, ông nói.
Trong khi đó, thảo luận về cơ hội đầu tư cụ thể, ông Long cho rằng, có thể quan tâm tới những ngành liên quan đến tiêu dùng, bán lẻ, thực phẩm. Hoạt động xuất khẩu đang hơi yếu hơn một chút, nhưng khi Trung Quốc nới lỏng dần chính sách phòng chống Covid-19, mở cửa nền kinh tế thì sẽ tốt hơn, kể cả lĩnh vực logistics, cảng biển. Nhóm doanh nghiệp sản xuất nhìn chung sẽ khó khăn hơn một chút do ảnh hưởng của đà tăng lãi suất, nhưng các ngành sản xuất thiết yếu như điện, nước, gas, dầu… vẫn ổn định.
“Cũng cần nhìn nhận rằng, không phải cứ ngành tốt, doanh nghiệp tốt thì cổ phiếu sẽ tốt. Sẽ có những chu kỳ diễn ra, hiện một số ngành có khó khăn nhất định như chuỗi ngành liên quan bất động sản - xây lắp - vật liệu xây dựng đang khó khăn, cần quan sát. Đi kèm đó là ngành đi theo thị trường, nước lên thuyền lên, như thanh khoản thị trường chứng khoán lên thì công ty chứng khoán có kết quả khả quan”, ông Long phân tích.
Theo Phan Hằng - Kiều Trang
Đầu Tư Chứng khoán