Fica
  1. Chứng Khoán

Vốn hoá Vinamilk sụt gần 2.800 tỷ đồng vì tin đồn thất thiệt về nguyên liệu sữa

Việc cổ phiếu VNM giảm giá sáng nay đã có ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến thị trường, đây cũng là mã có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index. Riêng vốn hoá Vinamilk chỉ trong một buổi sáng bị thiệt hại khoảng 2.786,7 tỷ đồng.

Vốn hoá Vinamilk sụt gần 2.800 tỷ đồng vì tin đồn thất thiệt về nguyên liệu sữa - 1

Vinamilk đã phủ nhận tin đồn thất thiệt về nguyên liệu sản xuất sữa 

Cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) mở đầu phiên sáng đầu tuần (2/12) với diễn biến bất lợi khi để mất 1.600 đồng tương ứng 1,32% xuống 119.900 đồng/cổ phiếu.

Vinamilk vừa vướng vào thông tin bất lợi về hoạt động nhập khẩu nguyên liệu và lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội những ngày qua. Tuy nhiên, về phía Vinamilk, doanh nghiệp này cũng đã có phản hồi kịp thời, khẳng định những thông tin trôi nổi này là “không chính xác”, “thất thiệt”.

Theo khẳng định của Vinamilk thì nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm sữa bột (trẻ em và người lớn), ngoài các nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp này còn nhập khẩu từ các nước Mỹ, Úc, New Zealand, EU và Nhật Bản.

Về vùng nguyên liệu sữa tươi, doanh nghiệp do bà Mai Kiều Liên lãnh đạo cho biết, đang sở hữu 12 trang trại bò sữa, hợp tác và ký hợp đồng trực tiếp với gần 6.000 hộ chăn nuôi bò sữa, quản lý gần 130.000 con bò với sản lượng sữa tươi bình quân 950-1.000 tấn/ngày.

Việc cổ phiếu VNM giảm giá sáng nay đã có ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến thị trường, đây cũng là mã có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index. Riêng vốn hoá Vinamilk chỉ trong một buổi sáng bị thiệt hại khoảng 2.786,7 tỷ đồng.

Trong sáng nay, các chỉ số đã phải “đầu hàng” trước áp lực bán mạnh. Tăng đầu phiên nhưng VN-Index vẫn phải tạm kết với mức giảm 1,14 điểm tương ứng 0,12% xuống 969,61 điểm và HNX-Index cũng mất 0,36 điểm tương ứng 0,35% còn 102,14 điểm. Trên UPCoM, chỉ số tăng nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,1% lên 55,72 điểm.

Thanh khoản khá khiêm tốn với 90,24 triệu đơn vị trên HSX tương ứng 1.900,23 tỷ đồng đổ vào giải ngân mua cổ phiếu. Con số này trên HNX lần lượt là 12,88 triệu cổ phiếu và 129,77 tỷ đồng; trên UPCoM là 3,01 triệu cổ phiếu tương ứng 63,67 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, trên toàn thị trường có đến 996 mã không diễn ra giao dịch. Thanh khoản vẫn tập trung tại ROS, HAI, FLC.

Độ rộng thị trường đang nghiêng về phía các mã giảm. Có 317 mã giảm giá, 27 mã giảm sàn so với 210 mã tăng và 25 mã tăng trần trên tất cả các sàn.

Tiếp tục diễn ra phân hoá trong nhóm các cổ phiếu vốn hoá lớn, điều này càng khiến thị trường trở nên giằng co. GAS tăng 300 đồng, VHM tăng 1.000 đồng, VJC tăng 1.100 đồng, thế nhưng ngược lại, VNM lại mất 1.600 đồng, VIC mất 600 đồng, BID mất 300 đồng…

Cổ phiếu hai ông lớn ngành bia diễn biến ngược chiều. Nếu như BHN của Habeco đánh mất tới 3.900 đồng còn 74.500 đồng/cổ phiếu thì SAB tăng 3.800 đồng lên 229.800 đồng/cổ phiếu.

Theo đó, nếu VHM đóng góp 0,98 điểm cho VN-Index, SAB đóng góp 0,72 điểm, VJC, GAS ảnh hưởng tích cực tới diễn biến chỉ số chung thì VNM lại lấy mất của chỉ số 0,82 điểm, VIC gây thiệt hại 0,59 điểm, BID, BHN, VRE, VPB, PLX, NVL có ảnh hưởng tiêu cực.

Theo nhận định của VCBS, đà lao dốc phần nào giảm tốc và VN-Index ghi nhận xu hướng tích lũy đi ngang trong vài phiên gần đây cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Nhóm phân tích cho rằng xu hướng của chỉ số trong tuần này sẽ là dao động trong vùng 970 – 980 điểm và chờ đợi cân bằng cung – cầu được xác lập ổn định hơn đi cùng mặt bằng giá mới, qua đó thu hút dòng tiền quay trở lại thị trường.

VCBS đánh giá, xu hướng giảm điểm trước mắt không khuyến khích các giao dịch đầu cơ và bắt đáy, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chung cũng đang thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Thay vào đó, nhà đầu tư được khuyến nghị cơ cấu tài khoản theo hướng hạ đòn bẩy và chỉ nên ưu tiên giải ngân từ từ để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn đầu tư trung dài hạn dựa trên triển vọng kinh doanh của các công ty này trong năm 2020.

Mai Chi

Vốn hoá Vinamilk sụt gần 2.800 tỷ đồng vì tin đồn thất thiệt về nguyên liệu sữa - 2