Mặc dù đón nhận dòng tiền "khủng" đổ vào giải ngân song chỉ số VN-Index vẫn bị "chùn bước" khi chinh phục ngưỡng 1.000 điểm.
Đóng cửa phiên 25/11, VN-Index đạt 999,94 điểm, ghi nhận tăng 4,18 điểm tương ứng 0,42%. HNX-Index tăng 0,51 điểm tương ứng 0,34% lên 148,09 điểm; UPCoM-Index ngược lại giảm 0,16 điểm tương ứng 0,24% còn 66,6 điểm.
Trong phiên này, sàn HSX thu hút được gần 11.000 tỷ đồng với khối lượng giao dịch 475,73 triệu đơn vị. Trong khi đó, HNX có 73,2 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.063,8 tỷ đồng và UPCoM có 27,61 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 412,43 tỷ đồng.
Số lượng mã không có thanh khoản trên thị trường cũng được thu hẹp lại, còn 815 mã. Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã tăng nhưng chênh lệch không đáng kể. Có 399 mã tăng giá, 46 mã tăng trần so với 372 mã giảm, 29 mã giảm sàn.
Như vậy, đà tăng tại VN-Index và HNX-Index vẫn đang chủ yếu dựa vào lực kéo của cổ phiếu vốn hóa lớn.
Cụ thể, VIC và VCB là hai cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index, đóng góp cho chỉ số lần lượt 1,49 điểm và 1,13 điểm. VPB cũng mang lại 0,71 điểm và BID đóng góp 0,67 điểm.
Cụ thể, VIC tăng 1,5% lên 105.600 đồng; VCB tăng 1,2% lên 93.500 đồng; VPB tăng 4,1% lên 26.700 đồng; BID tăng 1,5% lên 41.300 đồng. Ngoài ra, GVR cung bật tăng tích cực 3,3% lên 18.900 đồng; BVB tăng 3,3% lên 12.600 đồng; KBC tăng 2% lên 15.200 đồng; SAB tăng 1,6% lên 192.200 đồng; VRE tăng 1,1% lên 28.250 đồng.
Cặp cổ phiếu của bầu Đức bất ngờ được săn đón. HAG của Hoàng Anh Gia Lai tăng 2,9% lên 4.580 đồng còn HNG tăng kịch trần 6,8% lên 13.350 đồng, không hề còn dư bán nhưng vẫn còn dư mua giá trần.
Ngược lại, cổ phiếu "ông lớn" ngành thép hôm qua giảm sâu do áp lực chốt lời mạnh. HPG mất 5,1% còn 35.600 đồng trong khi HSG giảm 3,2% còn 18.100 đồng. Chỉ riêng HPG đã lấy đi của chỉ số chính 1,74 điểm; VHM, PDR, BVH cũng có ảnh hưởng tiêu cực nhưng mức độ tác động không đáng kể.
Khớp lệnh "khủng" tại HPG
HPG quay đầu từ đỉnh giá
Về thanh khoản, HPG của Hòa Phát vượt xa phần còn lại của thị trường, khớp lệnh tới 55,7 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh yếu tố thị trường thì HPG đang chịu áp lực chốt lời cực kỳ lớn từ nhà đầu tư sau khi mã này có chuỗi tăng liên tục 8 phiên liên tiếp, phá đỉnh lịch sử; song mới đây quỹ đầu tư PENM III Germany GmbH & Co. KG lại vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 76,5 triệu cổ phần sở hữu tại Hòa Phát tương ứng tỷ lệ 2,31%.
Giao dịch của quỹ ngoại này dự kiến sẽ được thực hiện từ ngày 27/11-25/12 tới. Tạm tính theo giá đóng cửa HPG phiên 25/11, động thái cơ cấu lại danh mục đầu tư có thể mang về cho PENM III lượng tiền mặt đến hơn 2.700 tỷ đồng.
Trước đó, một cổ đông nội bố khác là Phó Chủ tịch Hòa Phát Doãn Gia Cương cũng công bố đăng ký bán 24 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận cho Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long. Một Thành viên Hội đồng quản trị khác là ông Tạ Quang Tuấn cũng đã hoàn tất giao dịch bán ra 900 nghìn cổ phiếu HPG.
Nhìn chung, mốc 1.000 điểm vẫn được coi là ngưỡng kháng cự tâm lý quan trọng của VN-Index. SHS cho rằng, trong phiên hôm nay, VN-Index có thể sẽ tiếp tục diễn ra những rung lắc trước áp lực bán trên đường hướng đến mốc này.
Theo SHS, nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể mua vào nếu thị trường có nhịp test lại ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 970 điểm (đỉnh tháng 10/2020). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể canh chốt lời nếu thị trường tiến vào vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.000-1.030 điểm.
Còn VDSC thì đánh giá, mức tâm lý của thị trường tại vùng điểm 1.000 vẫn chưa giải tỏa được trong ngày giao dịch hôm qua. Mặc dù dòng tiền vẫn duy trì tại thị trường tích cực nhưng khi thị trường vẫn không thể vươn lên phía trước thì sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt đối với các nhà đầu tư.
Chưa đến mức thận trọng nhưng VDSC vẫn đề phòng những rủi ro bất ngờ nên khuyến nghị các nhà đầu tư tạm thời đứng yên đẻ chờ tín hiệu rõ ràng từ thị trường trong thời gian tới.
Mai Chi