Trong bối cảnh thị trường diễn biến giằng co thì cổ phiếu VCG của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vẫn giữ được đà tăng 4 phiên liên tục, tăng thêm 100 đồng tương ứng 0,4% lên 27.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu VCG trong thời gian vừa qua đang có xu hướng tăng tốt với mức tăng gần 28% trong vòng 1 tháng qua và tăng tới 55,31% trong 3 tháng giao dịch. So với mức đáy tại thời điểm 11/7/2018, VCG đã tăng mạnh tới gần 87%.
Diễn biến về giá của VCG cho thấy, cổ đông nhỏ lẻ đang đặt niềm tin vào “ván bài tái cơ cấu” của “ông lớn xây dựng” này, đặc biệt là sau khi cổ đông Nhà nước là SCIC và Viettel đã rút hết vốn. Thay vào đó, tại Vinaconex xuất hiện các “thế lực” mới là An Quý Hưng (57,71% vốn), Bất động sản Cường Vũ (21,28%) và Đầu tư Star Invest (7,57%).
Cổ phiếu VCG của Vinaconex đang tăng mạnh trong nhiều tháng liền
Mới đây, HĐQT Vinaconex đã công bố việc thành lập Công ty CP Cơ điện Vinaconex (Vinaconex M&E) với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, Vinaconex sẽ nắm 65% vốn, phần còn lại do các tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp tham gia. Giai đoạn 2, công ty sẽ tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng khi có nhu cầu theo phương án của tổng giám đốc.
Vinaconex cũng sẽ thành lập Công ty CP Trường để quản lý các trường Lý Thái Tổ. Theo phương án góp vốn, số vốn của Vinaconex sẽ bằng toàn bộ tài sản cố định hiện các trường đang sử dụng (có tính đến giá trị quyền sử dụng đất) theo giá trị thẩm định của đơn vị tư vấn. Trong đó, tổng công ty này sẽ nắm 99,9% vốn điều lệ và 2 cá nhân khác góp 0,1%.
Đồng thời, Vinaconex cũng thành lập Công ty TNHH MTV Vinaconex Láng Hòa Lạc với vốn điều lệ dự kiến 200 tỷ đồng để quản lý, đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh Hạ tầng Kỹ thuật Khu CN - CNC2 - Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/2, thị trường xảy ra rung lắc, các chỉ số diễn biến trái chiều với việc VN-Index tăng 3,05 điểm tương ứng 0,32% lên 964,35 điểm và HNX-Index giảm 0,63 điểm tương ứng 0,59% còn 106,21 điểm.
Độ rộng thị trường đang nghiêng về số mã giảm giá. Thống kê cho thấy có 330 mã giảm, 30 mã giảm sàn so với 232 mã tăng, 25 mã tăng trần.
Tuy vậy, dòng tiền lớn vẫn đổ vào thị trường. Khối lượng giao dịch trên HSX hôm qua ghi nhận đạt tới 231,96 triệu cổ phiếu tương ứng 5.403,55 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 38,27 triệu cổ phiếu tương ứng 526,08 tỷ đồng.
Trong đó, thanh khoản tại cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội phiên này tăng vọt. Mã được chuyển nhượng với khối lượng lên tới tới 13,65 triệu đơn vị và là mã có khối lượng giao dịch cao nhất toàn thị trường.
Kế đến là HAG với khối lượng giao dịch đạt 10,55 triệu cổ phiếu và FLC với 9,83 triệu cổ phiếu sang tay. CTG, TCB, SHB, AMD, HPG, STB, KBC cũng là những mã có giao dịch tốt trong phiên. Song ngoại trừ TCB tăng giá, còn lại các mã khác đều đứng giá (HAG, FLC) hoặc giảm, thậm chí giảm sàn (AMD).
Về giá, VN-Index đang cho thấy sự lệ thuộc lớn vào hai mã cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường là VHM và VIC. Điều này thể hiện qua mức đóng góp của VHM cho chỉ số lên tới xấp xỉ 5,1 điểm và VIC cũng kéo VN-Index tăng 2,23 điểm.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, VCB kéo lùi chỉ số 1,13 điểm. GAS, BID, PLX, CTG… cũng là những mã có diễn biến giảm và tác động tiêu cực, kìm hãm đà bứt phá của VN-Index.
BVSC cho rằng, trong phiên hôm nay (20/2), thị trường được dự báo sẽ điều chỉnh giảm. Áp lực chốt lời có thể sẽ tiếp tục gia tăng ở nhiều nhóm cổ phiếu, qua đó có thể khiến thị trường đối mặt với các nhịp rung lắc mạnh trong phiên.
Dù vậy, đà giảm của thị trường dự kiến sẽ có sự phân hóa ở các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có khả năng sẽ tạo được sự hồi phục tăng điểm trở lại sau nhịp điều chỉnh tích lũy trước đó. Trong khi đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn sẽ luân phiên tăng điểm.
Dòng tiền được dự báo sẽ tìm đến các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang bước vào nhịp điều chỉnh thuộc các nhóm ngành dầu khí, ngân hàng, dệt may, thủy sản, điện, vật liệu xây dựng và bất động sản… khi thị trường điều chỉnh giảm.
Mai Chi