Tiếp tục giằng co trong phiên giao dịch sáng nay (8/8), các chỉ số vẫn đạt được trạng thái tăng nhẹ vào thời điểm thị trường nghỉ trưa. VN-Index tăng 3,95 điểm tương ứng 0,41% lên 969,88 điểm còn HNX-Index tăng 0,4 điểm tương ứng 0,39% lên 102,29 điểm.
Trên quy mô toàn thị trường, số lượng mã tăng có nhỉnh hơn số lượng mã giảm, tuy nhiên cách biệt không lớn. Có 288 mã tăng giá, 42 mã tăng trần so với 256 mã giảm và 15 mã giảm sàn.
Mức tăng của chỉ số vẫn dựa vào một số mã vốn hoá lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Vingroup. Cụ thể, riêng VIC đã đóng góp 1,68 điểm cho VN-Index; VHM đóng góp 0,79 điểm và VRE đóng góp 0,52 điểm. Bên cạnh đó, VCB cũng đóng góp tới 1,2 điểm.
Một số mã khác như BVH, HPG, BID, GAS, MBB, GMD… cũng có ảnh hưởng tích cực đến chỉ số, hạn chế tác động tiêu cực từ tình trạng giảm giá của SAB, MSN, VNM, NVL…
Do không có giao dịch đột biến nào nên sáng nay thanh khoản thị trường lại bị kéo sụt. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 93,97 triệu cổ phiếu tương ứng 2.188 tỷ đồng còn trên HNX là 11,2 triệu cổ phiếu tương ứng 148,34 tỷ đồng.
Ông Mai Hữu Tín vốn được coi là một "võ sĩ" trên thương trường
Trong xu hướng của thị trường, TTF có phiên tăng thứ hai, hồi phục thêm 1,69% lên 3.000 đồng/cổ phiếu.
Lãnh đạo TTF - ông Mai Hữu Tín mới đây đã có phát biểu đáng chú ý tại diễn đàn M&A 2019, trong đó cho biết, khi mua lại Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, ông và cộng sự buộc phải tính toán để “giết chết” thương hiệu đó vì có nhiều vấn đề, nhiều lỗi, không thể giữ lại; nếu giữ lại sẽ ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp hậu M&A cũng như quyền lợi cổ đông.
Để có thể giữ mã chứng khoán TTF, U&I Group (đơn vị bỏ vốn ra để mua lại cổ phần TTF, nơi ông Mai Hữu Tín là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) đã quyết định đổi tên tiếng Anh của TTF là ToTal Furniture Corporation.
Với thương vụ M&A giữa TTF với Sứ Thiên Thanh vừa qua, ông Tín đặt mục tiêu đưa TTF thành “thương hiệu nội thất số 1 Đông Nam Á”, dù khép lại nửa đầu năm 2019, TTF đang ghi nhận lỗ ròng 290,5 tỷ đồng, lỗ thuộc về công ty mẹ 285,4 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đến 30/6 lên mức 2.408 tỷ đồng.
Trở lại với thị trường chứng khoán, theo nhận định của Công ty chứng khoán SHS, thị trường hồi phục với mức tăng nhẹ, đi kèm với đó là việc thanh khoản suy giảm và thậm chí còn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy đây chỉ là một phiên hồi phục kỹ thuật. Rủi ro về xu hướng thị trường là vẫn còn đó và các chỉ số có phiên giảm rất nhanh nếu như các cổ phiếu trụ cột không còn duy trì được đà tăng.
Trên biểu đồ kỹ thuật, việc VN-Index tuy hồi phục nhưng vẫn chưa vượt qua được ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 968 điểm (MA50) là một tín hiệu tiêu cực với thị trường, nó cho thấy tâm lý thị trường là khá yếu cho dù thị trường Mỹ đã hồi khá mạnh trong đêm 6/8 vừa qua. Những quyết định mua mới trong thời điểm này vẫn chưa thực sự thích hợp và nhà đầu tư vẫn nên kiên nhẫn theo dõi thị trường thêm.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch 8/8, kịch bản tích cực của VN-Index là tiếp tục hồi phục kỹ thuật với mục tiêu là ngưỡng kháng cự gần nhất tại 968 điểm (MA50).
Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể cân nhắc những nhịp hồi phục về quanh ngưỡng 968 điểm (MA50) để giảm tỷ trọng cổ phiếu. Đối với nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao cũng chưa nên vội vã bắt đáy trong giai đoạn này, ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy tiếp theo tại 953 điểm (MA200).
Mai Chi