Giao dịch tiền ảo bị cấm tại Việt Nam |
Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có thông báo yêu cầu các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền.
Các yêu cầu này nhằm thuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10 ngày 11/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Tại chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật và tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật.
Cơ quan này được giao phối hợp với Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.
Trong khi đó, Bộ Tài chính được phân công chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Theo chỉ đạo cuả Thủ tướng, Bộ này nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO); chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.
Trước đó, vào ngày 29/1, UBCKNN cũng đã có thông báo về hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) bao gồm tiền kỹ thuật số (cryptocurrency), huy động vốn thông qua phát hành tiền kỹ thuật số (CIO) và các sản phẩm khác liên quan đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại thông báo này, UBCKNN khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào các sản phẩm nói trên để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.
Cơ quan này cũng yêu cầu các công ty đại chúng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về phát hành, huy động vốn, công bố thông tin… đối với các sản phẩm mới này.
Thời điểm đó, trước khi có Chỉ thị số 10 của Thủ tướng, UBCKK cũng đã yêu cầu các tổ chức kinh doanh chứng khoán không tham gia các hoạt động tư vấn, môi giới, phát hành, giao dịch tiền kỹ thuật số cũng như các sản phẩm công nghệ tài chính khác và tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.
Các chỉ đạo siết chặt hoạt động kinh doanh tiền ảo được đưa ra sau khi có nhiều vụ “sập bẫy” tiền ảo xảy ra trên nhiều địa bàn trong cả nước. Đặc biệt là vụ Công ty Modern Tech biến mất khiến hơn 32.000 người đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền hơn 15.000 tỷ đồng.