Nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với DXG sau khi Đất Xanh công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2020 với kết quả thua lỗ ròng (lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ) 488 tỷ đồng so với mức lãi 38 tỷ đồng tại báo cáo tự lập mà doanh nghiệp này công bố trước đó.
Đây cũng là con số lỗ nặng nề nhất của DXG kể từ khi niêm yết cho đến nay. Nguyên nhân chủ yếu do sau soát xét, chi phí tài chính của DXG tăng mạnh 345 tỷ đồng.
(Đơn vị: Tỷ đồng - Nguồn: BCTC)
Trong quá trình soát xét, đơn vị kiểm toán là E&Y đã xác định khoản chuyển nhượng cổ phần tại LDG thực hiện vào tháng 7 là phát sinh sau niên độ và yêu cầu Đất Xanh phải trích lập dự phòng 526 tỷ đồng. Theo đó chi phí tài chính tại DXG tăng gấp 4,4 lần so với báo cáo tự lập, lên 679 tỷ đồng.
Vào ngày 22/7 và 24/7, Đất Xanh đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần LDG theo nghị quyết Hội đồng quản trị đã thông qua và công bố trước đó.
Về diễn biến trên thị trường chung, giằng co, rung lắc trong suốt phiên giao dịch sáng nay (17/8), các chỉ số đuối dần và hiện tại đều đang rơi vào trạng thái suy giảm.
VN-Index đánh mất 6,44 điểm tương ứng 0,76% còn 844,3 điểm; HNX-Index mất 0,41 điểm tương ứng 0,35% còn 115,83 điểm; UPCoM-Index cũng giảm 0,12 điểm tương ứng 0,21% còn 56,62 điểm.
Trong khi đó, thanh khoản trên thị trường lại đang có xu hướng thu hẹp, dòng tiền yếu. Tổng khối lượng giao dịch trên HSX đạt 128,19 triệu cổ phiếu tương ứng 2.046,03 tỷ đồng và trên HNX đạt 18,96 triệu cổ phiếu tương ứng 219,44 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 13,12 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 175,43 tỷ đồng.
Sắc đỏ chiếm ưu thế trong bức tranh chung của thị trường. Có tới 441 mã giảm giá, 26 mã giảm sàn, áp đảo so với 214 mã tăng, 38 mã tăng trần.
Trong rổ VN30 có đến 26 mã giảm giá và chỉ có hai mã đang giữ được đà tăng là HDB và TCB.
SAB giảm 4.000 đồng còn 181.000 đồng, MWG giảm 1.900 đồng còn 81.200 đồng, VJC giảm 1.700 đồng còn 98.900 đồng, VNM giảm 900 đồng còn 115.800 đồng, MSN giảm 700 đồng còn 52.700 đồng, GAS, PLX, VNM, VRE, BID, VIC, HPG đều nhuốm sắc đỏ.
Theo đó, SAB khiến VN-Index giảm 0,73 điểm; VHM khiến VN-Index giảm 0,48 điểm; thiệt hại do BID là 0,46 điểm và do VNM là 0,45 điểm.
Chiều ngược lại, TCB, PDR, CAV, BMP là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số chính. Tuy vậy, mức độ tác động của những mã này lên VN-Index lại không đáng kể.
Trên sàn HNX, VCG tiếp tục là mã có ảnh hưởng tích cực nhất với diễn biến tăng lên 30.000 đồng. Bên cạnh đó, còn có DHT, HUT, THD, DST, PVI… nhưng tác động của những mã này không lớn. Ngược lại, SHB giảm xuống 12.300 đồng và theo đó khiến chỉ số HNX-Index 0,29 điểm.
Diễn biến phiên hôm nay không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích. Theo chuyên gia SHS, VN-Index có thể sẽ giảm trở lại với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 850 điểm và xa hơn là ngưỡng 830 điểm.
Do vậy, những nhà đầu tư đã giải ngân bắt đáy trong đợt giảm trước đó và đã chốt lời cổ phiếu trong tuần qua nên tạm thời đứng ngoài và quan sát thị trường trong tuần tiếp theo.
BVSC cũng cho rằng, VN-Index dự báo có thể chịu áp lực điều chỉnh trong một vài phiên đầu tuần này và chỉ số sẽ nhận được sự hỗ trợ tại vùng quanh 840 điểm.
Về tổng thể, nhóm phân tích vẫn kỳ vọng vào khả năng chỉ số sẽ sớm vượt qua vùng kháng cự 858-860 điểm để hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 878-883 điểm trong ngắn hạn.
Trong tuần này, diễn biến thị trường có thể chịu biến động mạnh vào giữa tuần do thứ 5 sẽ là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 8. Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo bộ chỉ số MSCI Frontier Market Index cũng sẽ diễn ra vào những tuần cuối tháng 8 và có thể tạo ra biến động mạnh ở các cổ phiếu bluechips nằm trong danh mục của các bộ chỉ số này.
Mai Chi