Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (3/10), cổ phiếu HUT của Công ty cổ phần Tasco vẫn “dẫm chân” tại mức giá 2.300 đồng và ghi nhận đã “bốc hơi” gần 55% giá trị trong vòng 1 năm qua.
Có vẻ như cổ đông của Tasco vẫn đang chờ đợi những thay đổi đáng kể nào đó từ doanh nghiệp này sau khi thay tổng giám đốc tới 2 lần trong vòng 2 năm.
Cụ thể, Hội đồng quản trị Tasco đã thống nhất miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Dưỡng và bổ nhiệm ông Nguyễn Viết Tân (sinh năm 1981) thay vào vị trí nói trên. Ông Tân đồng thời cũng là người đại diện theo pháp luật của Tasco.
Đúng hai năm trước, vào ngày 10/10/2017, ông Nguyễn Văn Dưỡng được bổ nhiệm vào chức tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Tasco thay cho ông Hoàng Hà Phương với thời gian bổ nhiệm trong 3 năm. Tuy nhiên, chặng đường của ông Dưỡng tại vị trí này mới chỉ kéo dài 2/3.
Việc thay ghế tổng giám đốc tại Tasco diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đang trong vòng vây khó khăn. Kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, từ mức kỷ lục hơn 403 tỷ đồng vào năm 2016, lãi ròng công ty mẹ sụt xuống còn 305 tỷ đồng trong năm 2017 rồi còn hơn 77 tỷ đồng vào năm 2018 và báo lỗ gần 8 tỷ đồng trong nửa đầu 2019.
Bên cạnh bất động sản, việc khai thác "miếng bánh" BOT từng mang lại lợi ích lớn cho Tasco
Trở lại với thị trường chứng khoán, nhờ hoạt động giao dịch được cải thiện vào cuối phiên, các chỉ số đã đóng cửa ngày 3/10 với trạng thái khả quan. VN-Index hồi phục nhẹ 1,26 điểm tương ứng 0,13% còn 992,45 điểm trong khi HNX-Index rút ngắn biên độ giảm còn 0,05 điểm (tương ứng 0,05%) và kết phiên ở mức 105,21 điểm.
Thanh khoản đạt 193,59 triệu cổ phiếu trên HSX và theo đó dòng tiền chảy vào sàn này lên tới 4.802 tỷ đồng. Trên HNX, khối lượng giao dịch ở mức 19,4 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 252,18 tỷ đồng.
Điểm tích cực là số lượng mã tăng giá trên quy mô toàn thị trường đã nổi trội hơn hẳn so với số lượng mã giảm giá. Có tổng cộng 306 mã tăng và 34 mã tăng trần so với 287 mã giảm và 27 mã giảm sàn.
Phiên này cũng chứng kiến sự phân hoá mạnh trong nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn. Trong khi hai “ông lớn” là BID và VNM chi phối chỉ số, lần lượt đóng góp cho VN-Index 1,05 điểm và 1,02 điểm thì GAS và SAB lại lấy đi lần lượt 0,84 điểm và 0,55 điểm.
Ngoài ra, bên tăng giá có ảnh hưởng tích cực đến VN-Index còn có sự góp mặt của MSN, VHM, trái ngược với HPG, HVN, HDB, BVH rơi vào tình trạng giảm giá.
Nếu như nhóm cổ phiếu ngân hàng có sức tác động mạnh mẽ đến VN-Index trong phiên này thì bất động sản lại là nhóm ngành có đà tăng ổn định. Nhiều cổ phiếu bất động sản phiên hôm qua đã đạt được diễn biến rất tích cực là IJC (tăng 7%); LDG (6,5%); HDC (6,4%); ITC (5,8%); HLD (5,6%), TDH (4,9%), L14, LGL, HDG, D2D…
Một số cổ phiếu khác cũng tăng điểm đáng chú ý là HT1 (tăng 6,7%); JVC (tăng 6,9%), ACL (tăng 6,5%), TNA (tăng 5,4%)… Cổ phiếu FTM tiếp tục được mua mạnh và tăng trần phiên thứ 5 liên tiếp sau chuỗi giảm sàn liên tục 30 phiên trước đó.
Nhìn chung, BVSC đánh giá, thị trường đã cho phản ứng hồi phục khá tích cực khi tiếp cận vùng hỗ trợ 983-984 điểm trong phiên hôm qua. Theo nhóm phân tích, VN-Index dự kiến sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên cuối tuần để hướng đến thử thách vùng kháng cự 995-998 điểm.
Chỉ số đang có xu hướng hình thành kênh dao động đi ngang với cận trên là vùng 998-1004 điểm và cận dưới 980-985 điểm. Diễn biến này có thể sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn để giúp thị trường có thời gian tích lũy trước khi phát đi những tín hiệu rõ nét hơn về mặt hướng đi kế tiếp.
Với cái nhìn dài hơn, BVSC vẫn duy trì quan điểm lạc quan với kỳ vọng thị trường sẽ sớm vượt qua vùng kháng cự tâm lý 1.000-1.005 điểm để hướng đến các mốc cản mạnh hơn trong thời gian tới. Điểm tiêu cực hiện tại là vẫn là động thái bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại.
Hôm qua, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng phiên thứ 8 liên tiếp trên HSX với giá trị 202 tỷ đồng, tập trung vào VCB (44 tỷ đồng), VRE (41 tỷ đồng), HPG (27,5 tỷ đồng), GAS (22,5 tỷ đồng)…
Mai Chi