HSX bị tố "yếu kém", hàng loạt vấn đề cần thanh tra
Hôm nay (11/6), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thanh tra Bộ Tài chính với nội dung "cần mở chiến dịch làm sạch thị trường chứng khoán (TTCK)".
Tại văn bản này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI - cho rằng, sàn Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) "không chỉ yếu kém về quản lý công nghệ thông tin mà còn yếu kém về công tác quản lý giám sát thị trường".
Văn bản này của VAFI được gửi tới Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ một ngày sau khi ông Phớc yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thanh tra tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HSX.
VAFI đưa ra hàng loạt nội dung cần thanh tra tại HSX (Ảnh minh họa: Báo Hải quan).
Theo đó, VAFI đặt vấn đề với cơ quan thanh tra: "Tại sao đã qua 20 năm vận hành phần mềm giao dịch do Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan cung cấp mà sàn HSX không thể làm chủ công nghệ vận hành?".
Ông Nguyễn Hoàng Hải cũng đề nghị tìm hiểu về chất lượng nhà thầu thường xuyên bảo quản hệ thống giao dịch tại HSX ra sao.
Phía VAFI còn để ngỏ một luận điểm: "Có một thực tế đối với một bộ phận doanh nghiệp Nhà nước là thích thuê các nhà thầu không có danh tiếng. Những nhà thầu này luôn sẵn lòng chiều bên A như dễ dàng nâng khống giá trị công trình, chia đậm hoa hồng ở mức rất cao 40%-50%. Vụ án Nhật Cường là 1 ví dụ sinh động về vấn đề này".
Bên cạnh đó, VAFI còn đề nghị phía Thanh tra Bộ Tài chính thanh tra dự án làm phần mềm giao dịch mới được cung cấp bởi Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc. Đây được cho là một dự án nhỏ, được khởi động từ năm 2012 nhưng đã 10 năm vẫn chưa hoàn thành, vậy cần phải tìm nguyên nhân tại sao dự án tiến hành chậm trễ, giá trị dự án liệu có tăng lên so với ban đầu?
VAFI cũng đề nghị phải xác định vai trò của nhà thầu phụ trong dự án này, do ai lựa chọn, chất lượng nhà thầu ra sao và có khả năng làm chủ công nghệ vận hành hệ thống mới hay không?
"Một vấn đề nữa là tại sao không chọn những nhà thầu Việt như FPT để sau này nếu có sự cố thì họ có khả năng nhanh chóng giải quyết mà không lệ thuộc vào chuyên gia nước ngoài", ông Hải băn khoăn.
Nhiều loại cổ phiếu rác, cổ phiếu lừa đảo
Nêu tại văn bản này, lãnh đạo VAFI còn nêu ra nhận xét, hiện nay có nhiều loại cổ phiếu rác, cổ phiếu lừa đảo (cổ phiếu kém chất lượng không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HSX), thậm chí còn có tình trạng công khai làm giá, thổi giá để giá trị cổ phiếu cao gấp hàng trăm lần giá trị thực.
Phía VAFI "tố" có bàn tay thao túng, mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ làm giá bằng nhiều thủ đoạn như tạo lập hàng ngàn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo, làm giả tài khoản nước ngoài, làm giả báo cáo tài chính, thành lập nhiều công ty ma để thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo nhằm đẩy giá chứng khoán.
Cùng với đó là thủ đoạn tạo doanh thu lợi nhuận giả, tạo vốn điều lệ giả và ảo cao gấp hàng chục, hàng trăm lần số vốn thực có để thực hiện hành vi bán giấy lấy tiền thực. Vì vậy, đại diện VAFI cho rằng, cần thiết phải mở chiến dịch làm trong sạch TTCK.
Văn bản của VAFI cho hay, có tình trạng các cổ phiếu "rác" không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HSX nhưng đã được lựa chọn vào chỉ số VN30 trong 6 năm từ 2014 - 2020. "Những cổ phiếu kém chất lượng này có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn điều lệ nhưng không bị ngăn cản phát hiện từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ HSX" - ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định.
Theo ông Hải, hầu như tất cả các nhà đầu tư giá trị tránh xa cổ phiếu "rác" này nhưng hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu chứng khoán lại bị "dụ" lao vào giao dịch để từ đó những chủ doanh nghiệp này có cơ hội bán giấy thu lợi hàng ngàn tỷ đồng.
VAFI còn "vạch trần" tình trạng giá cổ phiếu "rác" thị giá thấp hơn nhiều so với mệnh giá (10.000 đồng) trong khoảng thời gian dài nhưng chủ doanh nghiệp vẫn tiến hành nhiều đợt bán cổ phiếu mới bằng với mệnh giá (như pháp luật quy định).
"Những thương vụ này nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường không mua nổi, nhà đầu tư giá trị cũng không mua, vậy thì ai mua, ai tài trợ, hay là chỉ là vấn đề được tăng vốn điều lệ để bán giấy?" - ông Hải đặt câu hỏi.
Theo nhận định của Phó Chủ tịch VAFI, có lẽ từ trước tới nay hầu như chưa có nội dung thanh tra toàn diện nào tại doanh nghiệp được tiến hành bởi Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra tài chính, thanh tra UBCKNN. Các cuộc thanh tra doanh nghiệp chủ yếu ở nội dung chấp hành về nghĩa vụ thuế, về tham nhũng tại doanh nghiệp.
Đây được cho là một khoảng trống trong việc thi hành pháp luật chứng khoán mà bản thân UBCKNN chưa chủ động đề xuất tiến hành một cuộc thanh tra nào như nội dung trên.
Trước tình hình trên, VAFI đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cần tập hợp một lực lượng "tinh nhuệ" từ các đơn vị thuộc Bộ như Thanh tra tài chính; Cục tài chính doanh nghiệp; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; Vụ tài chính ngân hàng; Vụ pháp chế để tiến hành thanh tra các nội dung như trên.
"Cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện như trên để tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh và tăng cường củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư chứng khoán và cộng đồng các công ty niêm yết. Chỉ có cách làm sâu sắc như trên thì TTCK Việt Nam mới thực sự nâng hạng" - lãnh đạo VAFI bày tỏ.
VAFI đề xuất cụ thể hóa 3 nội dung thanh tra:
1/ Thanh tra loại cổ phiếu "rác" bị nhà đầu tư giá trị xa lánh, giá trị cổ phiếu dưới mệnh giá trong thời gian dài nhưng vẫn huy động được "nhà đầu tư chiến lược'' để mua cổ phiếu mới phát hành bằng mệnh giá, giá phát hành cao hơn giá thị trường từ 40% - 50%.
- Không khó để xác định "các nhà đầu tư chiến lược'' từ cơ sở dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán;
- Tại sao họ mua cao rồi bán thấp? Chẳng nhẽ họ chấp nhận chịu lỗ hàng trăm tỷ đồng hay đó chỉ là thủ tục mua, sau đó toàn bộ tiền được rút ra hoàn trả và doanh nghiệp phát hành, từ đó có cơ sở bán giấy thu tiền thực?
- Tại sao UBCKNN, sàn HSX dễ dàng chấp thuận những đợt phát hành mới kiểu này, không phải một đợt mà rất nhiều đợt diễn ra?
2/ Thanh tra việc tạo lập vốn điều lệ khống, gấp hàng trăm lần giá vốn ban đầu, sau đó cho doanh nghiệp đó niêm yết và chủ doanh nghiệp bán giấy thu tiền về.
- Với loại hình doanh nghiệp này có bán cổ phiếu với giá 1.000 đồng/cổ phiếu thì họ cũng thu lợi rất nhiều, tuy nhiên không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ tưởng lầm rằng giá đó là rất hấp dẫn .
- Những dạng doanh nghiệp này thường đối phó để có báo cáo tài chính có vẻ hợp pháp bằng cách gần đến kỳ báo cáo họ tạo lập báo cáo giả để kiểm toán ghi nhận.
- Để thanh tra một đơn vị thì phải tiến hành kiểm tra số sách nhiều đơn vị liên quan.
3/ Thanh tra một công ty chứng khoán làm công cụ làm giá chứng khoán cho những ông chủ của mình.
- Cần xác định có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong doanh nghiệp, người thân thích nhưng giao dịch hàng ngày là do công ty chứng khoán thực hiện.
- Không khó xác định khi người có thu nhập bình thường không thể thường xuyên có những giao dịch hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.
- Cần yêu cầu Trung tâm lưu ký (VSD) cung cấp dữ liệu để xác định những đối tượng đầu tư giả.
- Với những công ty chứng khoán không tin cậy thì hầu như không có nhà đầu tư lớn (không có quan hệ với nhóm lừa đảo), nhà đầu tư giá trị mở tài khoản tại đó. Từ đó, dễ dàng xác định được danh sách các nhà đầu tư giả được công ty chứng khoán sử dụng để thao túng giá chứng khoán.
- Tại công ty chứng khoán này cũng xác định danh sách "nhà đầu tư nước ngoài'' đang mở tại đó xác định xem giả hay thật.
- Nhà đầu tư nước ngoài "giả" thường là lao động Việt ở nước ngoài và bị lợi dụng.
Mai Chi