Fica
  1. Chứng Khoán

Tiết kiệm 2 thập kỷ được 1,5 tỷ đồng, người dân vẫn không thể mua nhà

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Chỉ trong 5 năm, giá nhà ở, nhất là các sản phẩm căn hộ ở các khu ngoại thành TP.HCM đã tăng rất cao, thậm chí còn vượt xa khu vực trung tâm thành phố.

Sau hơn 20 năm ở nhà thuê, bà Huỳnh Phương Lan (42 tuổi) đã tiết kiệm được 1,5 tỷ đồng và có dự định mua một căn hộ nhỏ ở TP.HCM. Với số tiền không nhiều, bà Lan có dự định mua căn hộ tại khu vực ven đô, ngoại ô nhằm giảm bớt chi phí.

Tuy nhiên, sau một năm tìm hiểu, bà đã phải bỏ cuộc bởi giá căn hộ tại khu vực vùng ven, nhất là khu Đông TP.HCM (khu vực thành phố mới Thủ Đức) còn đắt hơn khu vực trung tâm thành phố.

"Thông qua một số công ty môi giới, số tiền 1,5 tỷ đồng khó có thể mua được một căn hộ 2 phòng ngủ, ở cả khu vực trung tâm và khu vực ngoại thành. Hiện nay, muốn mua căn hộ cần phải có trên dưới 2 tỷ đồng mới đủ, không thì phải trả góp", bà Lan nói.

Tiết kiệm 2 thập kỷ được 1,5 tỷ đồng, người dân vẫn không thể mua nhà - 1

Giá đất tại các quận, huyện vùng ven TP.HCM cũng được đánh giá là ở ngưỡng cao so với thu nhập của người dân. (Ảnh: Đại Việt)

Theo tìm hiểu của PV báo Dân trí, nếu 5 năm trước, người mua không dư giả tài chính, có thể lựa chọn một số căn hộ 2 phòng ngủ ở khu vực vùng ven như Thủ Đức, quận 9, quận 12, quận Bình Chánh với giá 1,4 - 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện tại, để mua căn hộ 2 phòng ngủ ở các khu vực này, khách hàng phải chi trả ít nhất 1,8 tỷ đồng. Đây là mức giá rẻ nhất, ghi nhận được ở một dự án thuộc khu Nam TP.HCM.

Mặc dù, chủ đầu tư niêm yết công khai giá 1,8 tỷ đồng, tuy nhiên, trên thị trường sơ cấp gần như không còn. Nếu mua chuyển nhượng, hoặc mua tại thị trường thứ cấp, giá trị căn hộ đã tăng lên 2 tỷ đồng.

Theo DKRA Việt Nam, giá bán căn hộ ở các khu vực vùng ven đang tăng mạnh trong vài năm gần đây. Đặc biệt, giá căn hộ tại khu Đông TP.HCM đã vượt mặt khu trung tâm.

Cụ thể, tại khu Đông TP.HCM, giá căn hộ trong năm 2020 dao động ở ngưỡng 39 triệu - 165 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá căn hộ tại trung tâm TP.HCM ở ngưỡng 86 triệu - 162 triệu đồng/m2.

Ngược lại, giá căn hộ rẻ nhất TP.HCM nằm ở khu Nam, với giá bán "khiêm tốn" ở ngưỡng 29 triệu - 75 triệu đồng/m2.

Theo giải thích của giới chuyên gia, nhờ vào đề án xây dựng thành phố mới Thủ Đức, nên giá trị căn hộ tại khu Đông TP.HCM đã tăng mạnh và vượt mặt khu vực trung tâm thành phố.

Ở các khu vực còn lại, giá căn hộ tăng nhẹ, nhưng chưa đủ lực để tạo ra sự bứt phá như khu Đông. Mặc dù, các khu Nam, khu Bắc và khu Tây TP.HCM có giá rẻ hơn, song nguồn cung, nhất là các sản phẩm căn hộ dưới 2 tỷ đồng gần như không còn.

Đại diện của Colliers International Việt Nam dự báo, nguồn cung căn hộ mới trong năm 2021 khoảng 40.000 sản phẩm, phân khúc trung và cao cấp vẫn chiếm số lượng lớn trong tổng nguồn cung mới.

Trong đó, vào quý II/2021, một dự án tại thành phố Thủ Đức sẽ cung cấp ra thị trường 1.729 căn hộ, có giá 23,7 triệu đồng/m2. Như vậy, để mua một căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích khoảng 70 m2, khách hàng phải chi khoảng 1,61 tỷ đồng.

Còn theo Bộ Xây dựng, căn hộ bình dân, có giá dưới 25 triệu đồng/m2 đã gần như không còn tại thị trường TP.HCM. Giá bán của các phân khúc trung và cao cấp tại TP.HCM tăng giá liên tục.

Có những dự án, căn hộ trước đây thuộc phân khúc bình dân thì nay đã có mức giá thuộc phân khu trung cấp, vượt khả năng chi trả của người dân có thu nhập thấp tại các đô thị lớn.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng nhận định, nhìn tổng thể, cơ cấu các phân khúc bất động sản chưa thực sự hợp lý, có hiện tượng dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp. Trong khi đó, thị trường đang rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

"Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình, và thu nhập thấp", Bộ Xây dựng nhận định.

Việt Vũ