Thị trường chứng khoán khởi đầu phiên giao dịch tuần mới với một buổi sáng khá khó khăn cho các chỉ số. Tâm lý thận trọng và một bộ phận nhà đầu tư chốt lời đã gây áp lực đáng kể lên các sàn giao dịch, chỉ số hầu hết chỉ dùng dằng quanh đường tham chiếu.
Cụ thể, VN-Index tiếp tục có sự điều chỉnh nhẹ, mất 0,24 điểm tương ứng 0,02% còn 1022,25 điểm và HNX-Index cũng giảm 0,01 điểm tương ứng 0,01% còn 107,26 điểm. Riêng UPCoM-Index tăng 0,14 điểm tương ứng 0,25% lên 56,88 điểm.
Điểm tích cực là thanh khoản được duy trì khá tốt. Khối lượng giao dịch tại HSX đạt 100,41 triệu cổ phiếu tương ứng 2.156,07 tỷ đồng và trên HNX là 10,8 triệu cổ phiếu tương ứng 103,32 tỷ đồng. UPCoM có 2,6 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng 47,81 tỷ đồng.
Viwasupco đang phải khắc phục hậu quả tai hại do sự cố dầu thải gây ra
Có tới 977 mã không có giao dịch trong phiên sáng. Độ rộng thị trường nghiêng về các mã giảm giá. Cụ thể có 285 mã giảm, 13 mã giảm sàn so với 232 mã tăng và 28 mã tăng trần trên toàn thị trường.
Cổ phiếu VCW của Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) trong phiên sáng nay nằm trong nhóm “tê liệt” thanh khoản và mức giá thiết lập khi đóng cửa phiên cuối tuần trước là 34.600 đồng. Mã này không hề tăng giá trong nhiều phiên vừa qua.
Kể từ phiên 21/10 đến nay, mã này thường xuyên giảm giá hoặc đứng giá tham chiếu, khối lượng giao dịch ở mức thấp, chỉ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu được chuyển nhượng.
Cổ phiếu VCW diễn biến tiêu cực sau khi doanh nghiệp này làm “mất lòng” cổ đông nhỏ lẻ và nhà đầu tư vì sự cố nước nhiễm dầu bất chấp kết quả kinh doanh khả quan và chính sách cổ tức đều đặn.
Báo cáo tài chính quý 3 cho thấy, trong kỳ vừa rồi, Viwasupco vẫn tăng 17% doanh thu thuần lên 138 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt hơn 72 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 21% lên 402 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 30% lên 199 tỷ đồng.
Đến thời điểm 30/9, doanh nghiệp này có tổng tài sản hơn 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 284 tỷ đồng. Ngày 6/9 vừa rồi, Viwasupco vừa tạm ứng cổ tức 8% bằng tiền mặt.
ROS, HPG và MBB gây chú ý trong sáng nay với khối lượng giao dịch đạt cao. Khớp lệnh tại ROS đạt 14,14 triệu cổ phiếu, tại MBB là 9,3 triệu cổ phiếu và tại HPG là 5,2 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu như HPG và MBB tăng giá thì ROS lại sụt giá.
Rõ ràng có thể thấy sự phân hoá của nhóm các cổ phiếu bluechip trong sáng nay. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến chỉ số chính giằng co gần như đi ngang quanh đường tham chiếu.
Phía tăng giá ghi nhận sự góp mặt của loạt cổ phiếu ngân hàng như MBB, BID, CTG, TCB, cùng một số mã lớn như BVH, FPT, HPG, VNM, SAB, HVN, VHM… Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, MWG, PNJ, GAS, MSN, BHN… lại giảm giá.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN Index đã chính thức bước vào xu hướng tăng ngắn hạn, tuy nhiên chủ yếu là nhờ lực kéo của một nhóm nhỏ các cổ phiếu vốn hóa lớn và đà tăng chưa có sự lan tỏa trên thị trường chung.
Các chuyên gia VCBS cho rằng, xu hướng của chỉ số trong tuần sau sẽ là kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ quanh ngưỡng 1.000 điểm và chờ đợi sự lan tỏa rộng hơn của sắc xanh ra các cổ phiếu khác trên thị trường trước khi có thể chinh phục các mốc kháng cự mới.
Nhà đầu tư theo trường phái “lướt sóng” ngắn hạn vẫn được khuyến nghị tập trung giao dịch ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường, nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng mức định giá của mỗi cổ phiếu cụ thể trước khi ra quyết định đầu tư để tránh rủi ro trong trường hợp áp lực điều chỉnh giảm ngắn hạn tiếp tục diễn ra trong những phiên tới.
Ngược lại, nhà đầu tư dài hạn có thể tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu vốn hóa trung bình đang có mức định giá hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung trên thị trường và vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tích cực trong năm 2020 để tích lũy dần vào danh mục trong quý cuối cùng của năm 2019 này.
Mai Chi