Fica
  1. Chứng Khoán

Tiền mất hút trên thị trường chứng khoán

Mai Chi
Mai Chi

Trong khi cổ phiếu "nóng" như VHM và QCG bị chốt lời và điều chỉnh giá thì các cổ phiếu nhóm chứng khoán, ngân hàng và loạt mã bất động sản có diễn biến khá tích cực.

Tại phiên giao dịch sáng đầu tuần 28/10, thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến giằng co và ngột ngạt. Các chỉ số dao động trong biên hẹp quanh ngưỡng tham chiếu, thanh khoản thị trường gần như mất hút. 

Toàn bộ sàn HoSE chỉ có 211,52 triệu cổ phiếu được giao dịch tương ứng 4.828,44 tỷ đồng; con số này trên HNX là 16,99 triệu cổ phiếu và 270,87 tỷ đồng; trên thị trường UPCoM là 9,66 triệu cổ phiếu tương ứng 137,08 tỷ đồng.

Trên cả 3 sàn có tới 787 mã cổ phiếu không diễn ra giao dịch nào. Độ rộng thị trường khá cân bằng với số lượng mã tăng là 345 mã, có 19 mã tăng trần và 323 mã giảm, có 9 mã giảm sàn. 

Trong khi VN-Index điều chỉnh nhẹ 0,37 điểm tương ứng 0,03% còn 1.252,35 điểm; HNX-Index giảm 0,09 điểm tương ứng 0,04% thì UPCoM-Index tăng 0,21 điểm tương ứng 0,23%.

Tiền mất hút trên thị trường chứng khoán - 1
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán tiếp tục co hẹp (Ảnh: Đăng Đức).

VIX là mã cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất toàn thị trường, đạt 20,9 triệu đơn vị; kế đến và VHM với 12,7 triệu đơn vị và DXG giao dịch hơn 11 triệu đơn vị. Còn lại các cổ phiếu khác trên thị trường đều giao dịch với khối lượng khiêm tốn.

Cổ phiếu ngành điện, nước và xăng dầu khí đốt có diễn biến khá nổi bật trong sáng nay giữa bối cảnh ảm đạm của thị trường chung. Nhóm này có HNA và TDW tăng trần; KHP tăng 6%; UIC tăng 4,6%. Mặc dù vậy, thanh khoản các cổ phiếu này không đáng kể.

Bên cạnh đó, ngành bất động sản cũng có nhiều mã tăng giá tích cực. Cụ thể, HPX và PTL tăng trần, trắng bên bán. Riêng HPX, dư mua giá trần còn hơn 4,7 triệu đơn vị trong kh khớp lệnh mới chỉ đạt 937.200 đơn vị. Cổ phiếu NVT cũng tăng 4,4%; VRC tăng 4,4%; NVL tăng 2%; TDH tăng 2%; AGG, HQC, HTN tăng hơn 1%.

Các cổ phiếu “nóng” bị chốt lời và điều chỉnh giá. VHM mất 2,9% còn 42.600 đồng, khớp lệnh khá cao. QCG giảm 1,4% còn 10.750 đồng. 

Phần lớn cổ phiếu ngân hàng đạt trạng thái tăng song mức chênh lệch giá giữa nhóm tăng và giảm không đáng kể. Phía tăng giá có VIB, SHB, OCB, ACB, MBB, LPB, TPB, TCB, VCB… còn phía giảm có VPB, SSB, HDB, EIB. Giao dịch của thị trường vẫn tập trung ở nhóm nay nhưng nhịp độ đã chậm lại đáng kể. 

Trong khi đó, cổ phiếu dịch vụ tài chính có dấu hiệu khá tích cực với diễn biến tăng trần tại OGC, ORS tăng 2,1%; FTS tăng 2%; HCM tăng 1,8%; VND tăng 1,7%; CTS tăng 1,6%; BSI tăng 1,4%; VCI tăng 1,3%; VDS tăng 1,3%; AGR, SSI, TVB cũng tăng giá. Sự tích cực của nhóm cổ phiếu chứng khoán được kỳ vọng là chỉ báo về sự chuyển biến tích cực hơn đối với VN-Index trong chiều nay.

Giai đoạn này, tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước áp lực tỷ giá gia tăng buộc Ngân hàng Nhà nước phải có những động thái đối phó như quay trở lại phát hành tín phiếu sau hơn 2 tháng tạm dừng nhằm hút thanh khoản dư thừa trên hệ thống. 

Theo giới phân tích, động thái trên đã kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng lên và kéo giảm chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD để hỗ trợ tỷ giá. Điều này khá tương đồng với giai đoạn thị trường điều chỉnh và đi ngang trong giai đoạn tháng 6, tháng 7. 

Tuy vậy, chuyên gia VNDirect cho rằng, áp lực tỷ giá lần này chỉ là tạm thời do kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục duy trì cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, từ đó gây áp lực điều chỉnh lên đồng USD. Cụ thể, thị trường vẫn đang kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong 2 cuộc họp sắp tới vào tháng 11 và tháng 12 tới. 

Đồng thời, thị trường cũng sẽ tiếp tục ghi nhận thêm kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết trong tuần này với kỳ vọng về bức tranh chung theo chiều hướng khả quan, qua đó hỗ trợ mặt bằng định giá của thị trường. 

Với những yếu tố kể trên, nhóm phân tích kỳ vọng thị trường sẽ sớm chứng kiến lực cầu bắt đáy khi chỉ số VN-Index giảm về vùng hỗ trợ mạnh 1.240-1.245 điểm và xác suất thủng vùng hỗ trợ này là thấp. 

Các nhà đầu tư dài hạn được khuyến nghị xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.240-1.250 điểm, ưu tiên những nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong hai quý cuối năm bao gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ). 

Trong những tháng gần đây, chiến lược mua vào cổ phiếu ở vùng cận dưới kênh tích lũy quanh 1.250 điểm và chốt lời khi VN-Index chạm cận trên của kênh tích lũy tại vùng 1.290 điểm có vẻ như vẫn đang phát huy hiệu quả.