Cổ phiếu Vissan tăng giá mạnh
Trong bối cảnh thị trường giao dịch lình xình, cổ phiếu VSN của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) trên sàn UPCoM có phiên tăng thứ 4 liên tiếp, tăng thêm 1,12% lên 27.000 đồng. Tính chung 1 tháng qua, VSN đã tăng giá gần 14%.
Vissan là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi nhờ giá thịt lợn tăng cao bất chấp dịch Covid-19 (ảnh: Vissan)
Cổ phiếu Vissan tăng giá mạnh nhờ vào triển vọng ngành chăn nuôi bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường.
Thông tin về kết quả kinh doanh quý 1/2020 của Vissan cho thấy, quý vừa rồi, doanh thu của công ty này tăng mạnh 20,9% lên 1.468 tỷ đồng; lãi trước thuế tăng 16,8% lên 57,6 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 19,3% lên 46,5 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình về biến động tăng mạnh của lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ, lãnh đạo Vissan cho biết, nguyên nhân lợi nhuận tăng là phát sinh từ hoạt động chăn nuôi lợn tại chi nhánh. Bên cạnh đó, công ty này cũng không trích lợi thế kinh doanh trong quý 1/2020 do đã trích đủ trong năm 2019.
Tại báo cáo thường niên năm 2019, lãnh đạo Vissan cho biết, từ tháng 8/2019, giá lợn bắt đầu tăng cao kỷ lục trong lịch sử ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam. Giá nguyên liệu tăng cao dẫn đến chi phí giá thành thực phẩm chế biến tăng, giảm hiệu quả lợi nhuận đối với nhóm hàng thực phẩm chế biến và ảnh hưởng đến hoạt động, hiệu quả kinh doanh của công ty.
Tuy vậy, doanh thu năm 2019 của Vissan vẫn đạt kỷ lục 4.993 tỷ đồng, tăng 11,79% so với năm 2018. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng 14,6% lên 1.041 tỷ đồng. Nếu loại trừ khoản điều chỉnh giảm chi phí từ nghiệp vụ hoàn nhập quỹ phát triển khoa học công nghệ 20 tỷ đồng thì lợi nhuận trước thuế của Vissan sẽ đạt 206 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử 49 năm hoạt động của công ty này.
Thị trường giao dịch “buồn ngủ” trước kỳ nghỉ
Thị trường tiếp tục giao dịch một cách chật vật trong sáng nay (29/4). VN-Index nhọc nhằn tăng 1,05 điểm (tương ứng 0,14%), lên 768,26 điểm còn HNX-Index giảm nhẹ 0,03 điểm (tương ứng 0,03%) còn 106,23 điểm. UPCoM-Index tăng nhẹ 0,03 điểm (tương ứng 0,05%), lên 52,14 điểm.
Thanh khoản đạt 139,39 triệu cổ phiếu (tương ứng 2.220,3 tỷ đồng) trên HSX và 28,95 triệu cổ phiếu (tương ứng 180,81 tỷ đồng) trên HNX. Thị trường UPCoM có 6,39 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng 81,47 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường có phần nghiêng nhẹ về phía các mã tăng tuy nhiên chênh lệch số lượng tăng - giảm không đáng kể: Có 290 mã tăng, 41 mã tăng trần so với 272 mã giảm và 35 mã giảm sàn.
Trong sáng nay, thị trường diễn biến khá tẻ nhạt. Tiếp tục vẫn là sự phân hoá trong nhóm vốn hoá lớn song không có đột biến nào.
VNM giảm 1.300 đồng còn 99.200 đồng; VHM giảm 1.000 đồng còn 63.600 đồng, MWG giảm 1.000 đồng còn 79.900 đồng; MSN, VPB, PNJ, HPG, TCB đều đang mất giá.
Chiều ngược lại, cổ phiếu hàng không có vẻ khả quan khi VJC tăng 2.100 đồng lên 115.000 đồng, ACV tăng 1.900 đồng lên 59.100 đồng, HVN tăng 800 đồng lên 26.900 đồng. SAS, SGN, NCS, MAS cũng tăng giá tích cực.
Đồng thời, sáng nay, nhiều cổ phiếu khác như SAB, BHN, GAS, CTG, BID, VRE, PLX, VCB… cũng bật sắc xanh.
Ngoài GAS và PLX lần lượt hồi phục lên 63.400 đồng/cổ phiếu và 40.000 đồng/cổ phiếu thì nhiều mã cổ phiếu dầu khí khác cũng đã đạt được trạng thái tăng giá trong sáng nay như PVS, PVD, PVT, PLC, PGS, PVB, PVC, PXS…
Theo nhận xét của các chuyên gia phân tích tại SHS, nhà đầu tư đang có phần chán nản với diễn biến thị trường hiện tại và đa phần có lẽ đang đứng ngoài quan sát trong bối cảnh chỉ còn một phiên hôm nay nữa là đến kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày.
Công ty này dự báo, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc và giằng co với biên độ trong khoảng 755-790 điểm trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ.
Theo đó, nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể bán ra nếu như VN-Index có nhịp tăng lên vùng kháng cự 780-790 điểm. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh 755 điểm để bắt đáy một phần tỷ trọng.
Mai Chi